Phố Wall chốt tuần đồng loạt giảm. Cụ thể Dow Jones giảm 0.57%, S&P 500 giảm 0.96% còn Nasdaq giảm 0.69%. Đây là tuần giảm mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ cuối tháng 10.

Thượng viện Mỹ, đang đối mặt hạn chót vào nửa đêm 11/12, nhất trí thông qua dự luật tài trợ thêm liên bang một tuần nhằm tránh chính phủ phải đóng cửa và có thêm thời gian để đàm phán về gói hỗ trợ kinh tế và dự luật chi tiêu tiếp theo.

Các nghị sĩ Mỹ bất đồng về gói hỗ trợ kinh tế suốt nhiều tháng qua. Trong khi đó, Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 11/12 tạm cấm ăn tối ở nhà hàng thành phố New York City, hiệu lực từ ngày 14/12.

Số liệu cho thấy đà phục hồi trên thị trường lao động đang yếu dần nhưng một khảo sát của Đại học Michigan ngày 11/12 cho thấy niềm tin tiêu dùng tại Mỹ cải thiện trong tháng 11, thước đo lạm phát tăng nhẹ.

Cổ phiếu Walt Disney là lực đẩy chính của Dow Jones và S&P 500, tăng giá 13,59% sau khi công ty này thông báo chiến lược về dịch vụ truyền hình trực tuyến, dự báo thu hút 350 triệu người đăng ký vào cuối năm tài chính 2024.

Với số ca tử vong vì Covid-19 hàng ngày đang ở mức báo động, nhiều bang tại Mỹ đã áp hạn chế kinh doanh và tình trạng thất nghiệp gia tăng, nhà đầu tư đang kỳ vọng có thêm hỗ trợ từ chính phủ Mỹ để duy trì đà phục hồi kinh tế hiện tại.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ngày 10/12 cảnh báo quá trình đàm phán có thể kéo dài tới Giáng sinh.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) dự kiến cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Covid-19 của Pfizer sớm nhất là đêm 11/12, theo New York Times.

Thông tin tích cực về vaccine Covid-19 làm gia tăng kỳ vọng về một đợt phục hồi kinh tế trong năm sau, lấn át lo ngại số ca nhiễm tăng tại Mỹ.

Giá vàng thế giới chốt tuần tăng nhẹ 0.08% trong bối cảnh quốc hội Mỹ vẫn chưa thể nhất trí về gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo. Hồi tháng 3, quốc hội Mỹ thông qua đạo luật CARES, phân phối gần 3.000 tỷ USD cho người lao động, các doanh nghiệp và công dân Mỹ đủ điều kiện.

Dollar Index chốt tuần tăng 0.30% lên mức 90.98.

Đồng Real Brazil chốt tuần tăng 1.75%, đánh dấu chuỗi 4 tuần tăng điểm liên tiếp.

Giá dầu thô WTI chốt tuần tăng 0.7%, giá dầu thô Brent tăng 1.5%.

Trong 6 tuần qua, giá dầu WTI tăng gần 11 USD, tương đương 31%, trong khi giá dầu Brent tăng gần 13 USD, tương đương 35%.

Những người tin giá dầu còn tăng tiếp kỳ vọng người dân trên thế giới có thể sớm di chuyển trở lại bằng mọi hình thức, đến bất kỳ đâu họ muốn vào bất cứ lúc nào. Một số quốc gia đã triển khai phân phối vaccine Covid-19. Tuy nhiên, thực tế phức tạp hơn nhiều do quy mô tiêm chủng để ứng phó Covid-19 là chưa từng có – kể cả ở Mỹ, Canada hay Anh.

Các nhân viên y tế tại New York đang diễn tập, từ việc phân phối vaccine cho đến tính toán thời gian, lưu trữ. Tủ đông lưu trữ là yếu tố quan trọng, cần giữ được nhiệt độ ở -70 độ C.

“Chúng tôi đưa tủ lạnh đến, chuẩn bị và mở cửa tủ trong vòng 90 giây”, theo Vivian Leonard, giám đốc dược phẩm tại Hệ thống Y tế Mount Sinai. “Nếu có sai sót, rất khó để khắc phục”.

Trong khi đó, Mỹ vừa có tuần tệ nhất về số ca nhiễm, tử vong và nhập viện vì Covid-19. Số ca nhiễm chạm 16 triệu, tăng khoảng 1 triệu so với một tuần trước đó, và gần 300.000 người chết.

Giới chức y tế Mỹ cảnh báo hệ thống bệnh viện có thể lại quá tải như thời đỉnh dịch hồi đầu năm.

“Xu hướng tăng giá dường như còn tiếp diễn nhờ hy vọng đại dịch được kiểm soát trong năm 2021 bằng vaccine”, Kazuhito Saito, giám đốc phân tích tại Fujitomi, nói. “Đợt tăng gần đây có vẻ hơi quá so với yếu tố cơ bản bởi sản lượng tại Libya, Mỹ tăng trong khi lực cầu thế giới suy yếu”.

Số liệu cho thấy tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 4/12 tăng 15,2 triệu thùng lên 503,2 triệu thùng, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), trái ngược dự báo giảm 1,4 triệu thùng từ giới phân tích.

Nhập khẩu ròng dầu thô của Mỹ tăng 2,7 triệu thùng/ngày trong tuần trước, cao kỷ lục, trong khi xuất khẩu suy giảm.