Phố Wall đồng loạt tăng điểm. Cụ thể Dow Jones tăng 0.88% S&P 500 tăng 1.64% và Nasdaq tăng 1.64%.

Giá cổ phiếu Apple tăng 6,4%, giúp công ty có thêm 128 tỷ USD vốn hóa thị trường trước thềm sự kiện ra mắt iPhone mới ngày 13/10. Cổ phiếu Amazon tăng giá 4,8%, công ty chuẩn bị tổ chức ngày hội mua sắm thường niên Prime Day vào ngày 13 – 14/10. Cổ phiếu Microsoft tăng giá 2,6%, giúp chỉ số S&P 500 công nghệ thông tin tăng 2,7%.

S&P 500 hiện thấp hơn 1% so với đỉnh lịch sử hôm 2/9 và gần như phục hồi hoàn toàn sau đợt giảm 9% tháng trước.

Tâm lý lạc quan bao trùm thị trường sau khi Tổng thống Donald Trump ngày 11/10 kêu gọi quốc hội thông qua một dự luật hỗ trợ Covid-19 tinh giản trong bối cảnh đàm phán về gói kích thích bao quát hơn gặp bế tắc.

Nhiều nhà đầu tư nhận định ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden sẽ tăng thuế nếu đắc cử và suốt nhiều tháng qua coi việc ông Trump, đảng Cộng hòa, có nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai là điều tốt hơn cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khả năng phe Dân chủ thắng cử đang ngày càng tăng và nhà đầu tư dần chú ý đến những lợi ích tiềm ẩn dưới thời Biden như tăng chi hạ tầng, ít bất ổn thương mại toàn cầu hơn.

Tỷ lệ đặt cược do RealClearPolitics thống kê cho thấy cơ hội thắng cử của Biden và Trump lần lượt là 67% và 33%, chênh lệch lớn nhất giữa hai ứng viên.

Cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai giữa Trump và Biden vào ngày 15/10 đã bị hủy. Trump dự kiến đến các bang chiến địa chủ chốt trong tuần này, tuyên bố ông không còn nguy cơ lây nhiễm Covid-19..

Giá vàng thế giới rời đỉnh 3 tuần do kỳ vọng về gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo từ Washington làm giảm nhu cầu với kim loại quý này.

Dollar Index chốt tuần giảm 0.84% về mức 93.06.

Đồng Real Brazil chốt tuần tăng mạnh 2.70% hỗ trợ bởi sự trượt giá của đồng đô la.

Giá dầu thô WTI giảm 2.9%, giá dầu thô Brent giảm 2.6%.

Sản xuất tại Libya, quốc gia thành viên OPEC, dự kiến tăng lên 355.000 thùng/ngày sau khi căng thẳng tại mỏ dầu Sharara được xóa bỏ hôm 11/10. Sản lượng tăng từ Libya là thách thức với OPEC+, gồm OPEC và đồng minh, trong chiến lược hạn chế nguồn cung để hỗ trợ giá dầu.

“Một lượng lớn dầu tái xuất trong khi thị trường không cần, đây là tin xấu cho cán cân cung – cầu”, theo Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, New York.

Bão Delta, gây ảnh hưởng lớn nhất 15 năm đến sản xuất năng lượng tại vịnh Mexico tuần trước, đã suy yếu. Công nhân bắt đầu trở lại các giàn khoan ngoài khơi vịnh Mexico từ ngày 11/10 và Total đã tái khởi động sản lượng 225.500 thùng/ngày tại nhà máy lọc dầu Port Authur, bang Texas, Mỹ.

Nguồn cung có xu hướng tăng khi các công ty dầu Na Uy đã đạt thỏa thuận lương với đại diện công đoàn ngày 9/10, chấm dứt 10 ngày đình công của công nhân từng đe dọa giảm tới 25% sản lượng của nước này.

Trong khi đó, lực cầu vẫn chịu sức ép từ diễn biến Covid-19, với số ca nhiễm trên thế giới tăng, dấy lên lo ngại các biện pháp phong tỏa được tái triển khai.