Phố Wall diễn biến trái chiều. Cụ thể, Dow Jones giảm 0.49% S&P 500 giảm 0.19% và Nasdaq tăng 0.45%.

Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, năng lượng diễn biến kém nhất, giảm 2,44% theo giá dầu.

Nhóm cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa lớn – diễn biến kém hơn cổ phiếu giá trị vài tuần gần đây bởi nhà đầu tư chọn các mã khả năng cao hưởng lợi từ việc tái mở cửa kinh tế – tăng 0,36% trong khi nhóm cổ phiếu giá trị giảm 0,56%.

Nhà chức trách California, bang đông dân nhất Mỹ, ngày 7/12 yêu cầu phần lớn người dân đóng cửa hàng và ở nhà sau khi khu vực này ghi nhận thêm hơn 30.000 ca nhiễm Covid-19 mới trong một ngày, cao kỷ lục.

Số liệu kinh tế gần đây cho thấy kinh tế Mỹ đang giảm tốc do hiệu quả từ gói kích thích tài chính trước đó cạn kiệt, càng nhấn mạnh sự cần thiết về một gói hỗ trợ tiếp theo từ quốc hội – với 11/12 là một hạn chót tiềm năng bởi đây cũng là ngày gói kích thích hiện tại hết hạn.

“Đó là trò chơi chờ đợi. Chúng ta đang chờ đợi xem liệu có gói hỗ trợ nào đi kèm với dự luật tài trợ lần này hay không”, Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird, nói. “Dù vaccine đã cận kề, giai đoạn này khá kỳ quặc khi chúng ta lại phải đợi cấp phép sử dụng khẩn cấp và có thể triển khai tiêm chủng từ cuối tuần”.

Nhà đầu tư tiếp tục theo dõi các diễn biến về quá trình thông qua gói hỗ trợ tiếp theo sau nhiều tháng đàm phán bế tắc giữa phe Dân chủ và Cộng hòa. Quốc hội Mỹ dường như phải cân nhắc một dự luật tài trợ một tuần để các nghị sĩ có thêm thời gian thương lượng.

Phố Wall trước đó diễn biến thận trọng sau thông tin Mỹ áp trừng phạt tài chính và lệnh cấm đi lại với một số quan chức Trung Quốc vì có liên quan đến việc loại nghị sĩ đối lập ở Hong Kong tháng 11..

Giá vàng thế giới tăng hơn 1% lên đỉnh hai tuần nhờ kỳ vọng về gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ.

Dollar Index tăng nhẹ 0.10% được hỗ trợ bởi thông tin số ca nhiễm Covid tăng làm tăng nhu cầu tích trữ Dollar – tài sản trú ẩn an toàn.

Đồng Real Brazil tăng 1.16%, tiếp tục nhờ vào thông tin tăng trưởng GDP 7.7% trong quý III của nước này tạo hi vọng về sự phục hồi sau đại dịch.

Giá dầu thô WTI giảm 1.1%, giá dầu thô Brent giảm 0.9%.

Thị trường dầu chịu áp lực sau khi Reuters đưa tin Mỹ chuẩn bị trừng phạt hơn 10 quan chức Trung Quốc với cáo buộc có liên quan đến việc Bắc Kinh loại bỏ các nghị sĩ đối lập đắc cử tại Hong Kong.

Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới, hỗ trợ giá dầu đáng kể trong năm nay. 11 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập tổng cộng 503,92 triệu tấn, tương đương 10,98 triệu thùng/ngày, tăng 9,5% so với năm trước.

Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng, buộc nhà chức trách phải triển khai các biện pháp phong tỏa như ở bang California, Mỹ, Đức và Hàn Quốc.

Tiêu thụ xăng tại Mỹ giảm trong tuần nghỉ lễ Tạ ơn xuống thấp nhất hơn 20 năm.

OPEC+ tuần trước nhất trí tăng sản lượng 500.000 thùng/ngày từ đầu năm 2021, từ giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện tại xuống còn giảm 7,2 triệu thùng/ngày.

Morgan Stanley sau đó nâng dự báo giá dầu Brent dài hạn lên 47,5 USD/thùng từ 45 USD/thùng, giá dầu WTI dài hạn từ 42,5 USD/thùng lên 45 USD/thùng.

Trong khi đó, Iran chỉ đạo bộ phụ trách dầu mỏ nước này chuẩn bị các cơ sở để sản xuất và bán dầu thô hết công suất trong ba tháng.

“Iran đang lạc quan rằng Mỹ sẽ nới lỏng các hạn chế với nước này nếu Washington trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015”, theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA.