Phố Wall đồng loạt giảm điểm. Cụ thể Dow Jones giảm 0.35% S&P 500 giảm 0.22% và Nasdaq giảm 0.28%.

9 trong 11 lĩnh vực chính của S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ với năng lượng giảm mạnh nhất, chiều ngược lại là dịch vụ viễn thông.

Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nói còn nhiều khác biệt giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ tại quốc hội nhưng Tổng thống Donald Trump, đảng Cộng hòa, vẫn “sẵn lòng”cùng làm việc về một thỏa thuận.

Trước khi các cuộc thương lượng vào chiều 21/10 bắt đầu, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói vẫn có cơ hội đạt thỏa thuận bất chấp sự phản đổi từ phe Cộng hòa tại Thượng viện. Bà cho rằng gói hỗ trợ mới có thể không được thông qua cho tới sau bầu cử tổng thống Mỹ.

“Miễn là bà ấy còn đung đưa củ cà rốt, vẫn có cơ hội đạt được thứ gì đó và nhà đầu tư tiếp tục lạc quan”, Michael James, giám đốc quản lý giao dịch chứng khoán tại Wedbush Securities, Los Angeles, bang Califronia, nói. “Bạn chấp nhận rủi ro về dài hạn hơn là nắm giữ quá nhiều tiền mặt nếu các bên đạt thỏa thuận. Đó là một chữ ‘nếu’ lớn”.

Theo James, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng một thỏa thuận có thể xuất hiện vào ngày 22/10.

Sau khi thị trường đóng cửa, Drew Hammill, người phát ngôn của bà Pelosi, nói phiên thương lượng 21/10 “giúp đưa chúng tôi tiến gần hơn đến viết ra một thỏa thuận”.

Mùa báo cáo lợi nhuận quý III tiếp tục với 84 công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh, 85,7% số này vượt kỳ vọng.

Nhà đầu tư đang theo dõi các diễn biến liên quan bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai và là cuộc tranh luận cuối cùng vào đêm 22/10.

Giá vàng thế giới tăng 1% lên đỉnh hơn một tuần do nhà đầu tư lạc quan Mỹ sẽ có gói hỗ trợ kinh tế trước ngày bầu cử 3/11 khiến USD suy yếu và tăng nhu cầu mua kim loại quý này để phòng hộ lạm phát..

Dollar Index tiếp tục giảm 0.46%, đánh dấu phiên giảm thứ 4 liên tiếp.

Đồng Real Brazil giảm nhẹ 0.02%, sau hai phiên tăng liên tiếp.

Giá dầu thô WTI giảm 4%, giá dầu thô Brent giảm 3.4%.

Tồn kho tại Mỹ giảm 1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/10 xuống còn 488,1 triệu thùng. Tồn kho xăng tăng cho thấy lực cầu nhiên liệu vẫn yếu, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

“Thị trường vẫn đang đối mặt tình trạng cầu yếu trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng”, Tony Headrick, nhà phân tích thị trường năng lượng tại CHS Hedging, nhận định.

Quá trình đàm phán về gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo tại Mỹ vẫn chưa kết thúc với Nhà Trắng và phe Dân chủ đang nỗ lực đạt thỏa thuận trước bầu cử tổng thống 3/11 và bầu cử quốc hội.

Ủy ban bộ trưởng của OPEC và đồng minh, tức OPEC+, ngày 19/10 cam kết hỗ trợ thị trường đối mặt tình trạng cầu giảm vì đại dịch. Tuy nhiên, OPEC+ vẫn giữ kế hoạch giảm quy mô thỏa thuận hạn chế sản lượng từ giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện tại về còn giảm 5,7 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021.

Libya, thành viên OPEC không nằm trong thỏa thuận hạn chế sản lượng, đang tăng cường khai thác trở lại sau khi nội chiến hạ nhiệt.