Phố Wall đóng phiên với diễn biến trái chiều. Cụ thể, Dow Jones tăng 1.44%, S&P 500 tăng 0.57% còn Nasdaq giảm 0.61%.

Trong phiên, Dow Jones và S&P 500 có lúc chạm 31,022.65 điểm và 3,783.04 điểm, đều là các mốc cao nhất mọi thời đại rồi đảo chiều khi người biểu tình tiến về quốc hội Mỹ, tìm cách buộc cơ quan này đảo chiều kết quả bầu cử Donald Trump thua Joe Biden. Các nghị sĩ sơ tán sau khi người ủng hộ Trump xông vào tòa nhà còn cảnh sát đứng quan sát, một số sĩ quan có phản ứng bằng cách rút súng và xịt hơi cay.

“Đây không phải một đợt giảm sâu. Bên mua vẫn xuất hiện. Chỉ có chút gây sốc khi chứng kiến mọi thứ diễn ra trên truyền hình”, Tim Ghriskey, giám đốc đầu tư chiến lược tại Inverness Counsel, New York, nói.

Trước lúc biều tình, lĩnh vực tài chính trong S&P 500 lên cao nhất một năm và vẫn đóng cửa trong sắc xanh cùng với vật liệu, công nghiệp và năng lượng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng theo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm.

Phe Dân chủ đã thắng một trong hai cuộc đua vào Thượng viện tại bang Georgia và dẫn trước cuộc đua còn lại, tiến gần hơn tới việc kiểm soát lưỡng viện, cho phép Tổng thống đắc cử Joe Biden thúc đẩy các mục tiêu chính sách dễ dàng hơn. Kết quả cuối cùng dự kiến có vào cuối ngày 6/1.

Giá vàng thế giới ngày 6/1 lao dốc hơn 2% do USD phục hồi, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng và nhà đầu tư kỳ vọng đảng Dân chủ thắng lớn trong bầu cử Thượng viện bang Georgia.

Dollar Index tăng 0.11% kết thúc chuỗi 2 phiên giảm liên tiếp kể từ đầu tuần.

Đồng Real Brazil giảm 0.54% một phần do sự tăng giá của đồng Dollar.

Giá dầu thô WTI tăng 1.4% và giá dầu thô Brent tăng 1.3%.

Giá hai loại dầu đều giảm phần nào trong phiên giao dịch ngoài giờ khi bất ổn xuất hiện tại Washington. Người ủng hộ Donald Trump xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ với ý định tìm cách thay đổi kết quả bầu cử tổng thống.

Tồn kho tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 1/1 giảm 8 triệu thùng xuống 485.5 triệu thùng, vượt xa dự báo giảm 2.1 triệu thùng từ giới phân tích, theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Trong khi đó, tồn kho nhiên liệu lại tăng.

“Chúng ta biến nhiều dầu thô thành các sản phẩm nhưng lại không có lực cầu”, Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, New York, nói. “Tình trạng này không thể duy trì mãi được”.

Arab Saudi ngày 5/1 thông báo sẽ tự nguyện giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3 sau cuộc gặp của OPEC và đồng minh, tức OPEC+.

OPEC+ nhất trí hầu hết các nước thành viên sẽ giữ nguyên sản lượng trong tháng 2 và 3, cho phép Nga và Kazakhstan tăng sản lượng 75,000 thùng/ngày trong tháng 2 và thêm 75,000 thùng/ngày nữa trong tháng 3.

Sản lượng của OPEC tháng 12/2020 là 25.59 triệu thùng/ngày, tháng tăng thứ 6 liên tiếp, theo khảo sát của Reuters, chủ yếu do sản lượng tại Libya phục hồi.