Ảnh hưởng của La Nina đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sản xuất của vụ mùa đậu tương và ngô ở cả hai quốc gia Brazil và Argentina, làm dấy lên câu hỏi về khả năng sụt giảm sản lượng đột ngột trong khoảng thời gian nhạy cảm để đưa ra các dự báo cơ bản.

Thông thường, thời tiết tại Nam Mỹ chỉ có tác động lớn sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn của Mỹ, sự kiện sẽ diễn ra trong tuần này vào năm nay, nhưng nếu có bất kỳ sự sụt giảm nào trong sản lượng toàn cầu thì Mỹ cũng chỉ có thể bù đắp một phần nhỏ do dự báo tồn kho ngũ cốc của hai quốc gia Nam Mỹ ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Thời tiết ẩm ướt hơn được kỳ vọng sẽ xuất hiện tại một số khu vực gieo trồng quan trọng của Brazil như Rio Grande do Sul và nhiều vùng của Argentina trong tuần tới. Tuy nhiên, những phần của lại của hai nước này vẫn tiếp tục khô hạn, như phía nam của vành đai ngô của Argentina, tiếp tục trì hoãn thêm tiến độ gieo trồng.

Thời tiết khô hạn có thể đạt đỉnh trong tháng 12 và những tháng đầu năm 2021 khi vụ ngô của Argentina và đậu tương của Brazil đi vào giai đoạn trưởng thành, với lượng mưa ít và không thường xuyên.

Một trung gian thương mại tại Paraguay cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ có một số vấn đề nhưng theo quan điểm của tôi, điều xác định mức độ ảnh hưởng của La Nina không phải là lượng mưa tích lũy mà là tần xuất mưa. Hiện tại chúng tôi đang rất lo ngại. Dự báo dài hạn không cho thấy lượng mưa đều đặn.”

Tại Brazil, các khu vực trồng đậu tương quan trọng tại Mato Grosso và Parana được dự báo là sẽ cần gieo trồng lại, sản lượng bị cắt giảm và khả năng sẽ trì hoãn vụ ngô thứ hai là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Vụ ngô của Argentina, thường được gieo trồng ở khu vực phía nam đất nước, lại là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất của thời tiết khô nóng do La Nina gây ra trong khi vụ mùa đậu tương cũng chịu ảnh hưởng khi chúng bước vào giai đoạn phát triển trong tháng 05.

Nhà tư vấn độc lập Benjamin Bodart nhận định rằng kịch bản của niên vụ 2017/18 tại Argentina có thể sẽ lập lại với sản lượng đậu tương sụt giảm đột ngột.

Và tại Brazil, con số 134 triệu tấn sẽ khó có thể đạt được với tốc độ gieo trồng và điều kiện thiếu độ ẩm hiện tại. Chúng ta cần có điều kiện thời tiết hoàn hảo và nhiệt độ phù hợp để đạt được mục tiêu này, ông Bodart cho biết.

“Vì vậy mà con số trên 130 triệu tấn đơn giản là quá lạc quan cho sản lượng đậu tương và tôi nghĩ con số trong khoảng 125 – 127 triệu tấn sẽ phù hợp hơn,” ông Bodart cảnh báo.

Mức sản lượng 125 triệu tấn sẽ thấp hơn 8 triệu tấn so với dự báo hiện tại của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho sản lượng đậu tương của Brazil và cũng thấp hơn dự báo sản lượng năm nay 1 triệu tấn.

Với việc nông dân Brazil đã gieo trồng được khoảng 65% diện tích dự kiến trong niên vụ 2020/21, bất kỳ điều chỉnh giảm dự báo sản lượng nào cũng sẽ khiến hoạt động bán hàng của nông dân chậm lại.

Điều này sẽ xảy ra trừ khi đồng Real tiếp tục yếu đi, việc sẽ khuyến khích nông dân Mỹ kéo dài hoạt động bán hàng sang mùa hè năm sau, thời điểm hàng của Brazil có ưu thế hơn.

Tuy nhiên, Mỹ ít có khả năng thực hiện việc này khi tồn kho của Mỹ do USDA dự báo chỉ còn 190 triệu giạ (5.17 triệu tấn) trong báo cáo Cung cầu ngũ cốc tháng 11 do xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc và năng suất cây trồng sụt giảm.

Kể cả khi Trung Quốc tiếp tục hủy hợp đồng mua do lợi nhuận biên giảm, phía Mỹ sẽ khó có thể hỗ trợ nhiều cho nguồn cung của thị trường trong nửa sau của năm tới.

Đối với ngô của Brazil, trong khi người nông dân đang giao dịch với lượng nhỏ hơn của vụ năm nay – doanh số bán hàng của Mato Grosso mới chỉ đạt 44% sản lượng, theo như số liệu của cơ quan thống kê nông nghiệp bang (IMEA) – do tác động tiêu cực của hiện tượng La Nina tới nguồn cung.

Ngân hàng Rabobank kỳ vọng sản lượng ngô từ cả hai nước Brazil và Argentina sẽ giảm 25 triệu tấn, tương đương 15% mức dự báo hiện tại nếu tác động của La Nina quá mạnh, và vụ mùa của Mỹ có thể bù đắp cho một phần sự thiếu hụt của nguồn cung.

Nhưng tồn kho cuối vụ của Mỹ theo dự báo gần nhất của USDA chỉ đạt 464 triệu giạ (11.8 triệu tấn), giảm 21% so với dự báo tháng trước do năng suất giảm đột ngột trong khi xuất khẩu tăng cao do nhu cầu từ Trung Quốc, khiến cho nguồn cung thay thế cho ngô Nam Mỹ khó có thể được tìm thấy.