Dầu thô Brent giao sau tăng 42 US cent, tương đương 0,5%, lên 79,95 USD/thùng, đạt mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2018, tăng 1,8% vào thứ Hai.
Giá dầu thô Mỹ (WTI) giao sau tăng 41US cent, tương đương 0,5% lên 75,86 USD/thùng, chạm mức cao nhất kể từ tháng 7, tăng 2% vào ngày hôm trước.
Toshitaka Tazawa, nhà phân tích tại Fujitomi Securities Co Ltd., cho biết: “Tâm lý thị trường vẫn mạnh với nguồn cung thắt chặt hơn và nhu cầu phục hồi ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của châu Phi là Nigeria và Angola sẽ phải rất khó khăn nhằm tăng sản lượng lên mức hạn ngạch của OPEC cho đến ít nhất là năm tới, vì tình trạng thiếu đầu tư và các vấn đề bảo trì dai dẳng tiếp tục gây cản trở sản lượng.
Goldman Sachs đã tăng 10 USD dự báo cuối năm đối với dầu thô Brent lên 90 USD/thùng. Nguồn cung toàn cầu đã thắt chặt do nhu cầu nhiên liệu phục hồi nhanh chóng từ sự bùng phát của biến thể Delta của virus corona và cơn bão Ida ảnh hưởng đến sản xuất của Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng giá khí tự nhiên hóa lỏng giao ngay (LNG) và than đá tăng cũng có thể thúc đẩy giá dầu tăng thêm.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: “Nhu cầu dầu có thể tăng thêm 0,5 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 0,5% nguồn cung dầu toàn cầu, do giá khí đốt cao buộc phải chuyển từ tiêu thụ khí đốt sang dầu mỏ”. Ông cho biết thêm rằng giá năng lượng vẫn có thể tăng từ đây nếu mùa đông ở Bắc bán cầu lạnh hơn dự kiến.
Trung Quốc đang trong tình trạng khủng hoảng năng lượng do thiếu hụt nguồn cung cấp than, các tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn và nhu cầu mạnh mẽ từ các nhà sản xuất và ngành công nghiệp đã đẩy giá than lên mức cao kỷ lục và gây ra tình trạng hạn chế sử dụng trên diện rộng.
Han Jun, thống đốc tỉnh Cát Lâm, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cho biết Trung Quốc nên nhập khẩu nhiều than hơn từ Nga, Indonesia và Mông Cổ để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện đang làm tê liệt một phần lớn ngành công nghiệp. 

Nguồn: VITIC/Reuters