Mỗi tấn than xuất đi từ cảng Newcastle hồi tháng 9/2020 chỉ có giá là 67 USD/tấn, nhưng hiện tại đã lên tới 307 USD/tấn, cao gấp gần 5 lần. Cách đây vài tuần, giá mặt hàng này thậm chí còn ở mốc 360 USD/tấn, mức chưa có tiền lệ, vượt cả đỉnh lịch sử từng ghi nhận trước đó vào năm 2008 với 267 USD/tấn.
Điều này có nghĩa các công ty than ở Australia đang kiếm lời lớn chưa từng có vì giá tăng cao. Theo tính toán của World Top Exporters, Australia là quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới trong năm 2020, chiếm 39,5% con số toàn cầu.
Vì sao giá than cao kỷ lục?
Ba yếu tố chính tác động chính đến giá than thời gian qua là nhu cầu tăng ở Trung Quốc, giá khí đốt lên cao và nguồn cung thiếu hụt. Theo đó, sản xuất than nhiệt của Trung Quốc chỉ tăng 6% trong năm nay nhưng nhu cầu tăng 14%, trong khi Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Australia, nơi cung cấp lượng than lớn cho quốc gia đông dân nhất thế giới. Ở chiều ngược lại, giá khí đốt tăng cao khiến sự phụ thuộc vào than ngày càng lớn.
Thông thường, giá mặt hàng tăng do nhu cầu đi lên, thúc đẩy nhà đầu tư đồ tiền vào ngành để tăng sản lượng và giá sẽ đi xuống vì nguồn cung dồi dào hơn. Tuy nhiên, than thì khác, khi thống kê cho thấy giá than nhiệt đi lên nhưng suốt 5 năm qua, công suất sản xuất lại giảm xuống. Theo hiệu ứng domino, với nguồn cung thấp, giá than sẽ vẫn duy trì ở mức cao.
Trên thực tế, than càng đắt thì các nhà đầu tư càng đổ tiền đầu tư sang các loại nguyên liệu tái tạo rẻ hơn. Các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tìm các nguồn năng lượng tái tạo thay thế than, ví như điện mặt trời.
Chuyên gia Tim Buckley đến từ Institute for Energy Economics and Financial Analysis (Mỹ) cho rằng giá than cao như "cơn gió thuận" đối với Australia nhưng không phải là lý do để nước này xây dựng thêm các mỏ than mới. "Nếu mỏ than mới không được mở ra, sản lượng sẽ đi xuống theo thời gian", ông Buckley nói.

Nguồn: VINANET/VITIC/Reuters