Đậu tương đã tăng liên tiếp cả 5 phiên trong tuần trước, giúp cho giá đậu tương đóng cửa tuần ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2016 trên đồ thị tháng liền kề. Không có nhiều thông tin cơ bản mới ở thời điểm này, nên giá đậu tương vẫn đi theo xu hướng “bullish” chủ đạo do thiếu hụt nguồn cung vì ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn tại Nam Mỹ. Giá đậu tương hiện tại đã chuyển lên giằng co trong vùng 1070 – 1100. Giá mặc dù vẫn đang tiếp tục tăng nhẹ trong sáng nay, nhưng có khả năng sẽ chỉ vượt được kháng cự 1100 nếu có thêm các đơn hàng lớn tại Trung Quốc.

Theo ước tính hiện tại, nhập khẩu đậu tương trong tháng 9 của Trung Quốc đạt tổng cộng 9.8 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới ở Trung Quốc cũng đang được dự báo sẽ cao hơn 30% so với năm vừa rồi, cho thấy một nhu cầu khổng lồ đối với các loại thức ăn chăn nuôi, từ đó thúc đẩy nhu cầu lớn đối với nhóm sản phẩm họ đậu. Trung Quốc đã không mua thêm đậu tương của Mỹ kể từ 16/10 đến nay, dù cuối tuần trước có rất nhiều tin đồn trên thị trường về việc nước này đang mua một số lượng tàu khá lớn. Do đó, nếu có thêm các đơn hàng được xác nhận bởi USDA ở thời điểm này sẽ là lực hỗ trợ rất lớn đối với giá đậu tương.

Thời tiết tại các quốc gia Nam Mỹ đang có xu hướng trái ngược nhau. Mưa tại miền trung Brazil được dự báo sẽ duy trì đến hết tuần này với lượng trung bình – lớn, tuy nhiên thời tiết tại Argentina lại đang hoàn toàn khô ráo. Vì thế, tác động từ thông tin này đến giá là khá cân bằng.

Khô đậu tương và dầu đậu tương chủ yếu đi theo xu hướng của giá đậu tương trong giai đoạn này. Trung Quốc thậm chí cũng đã đặt mua đơn hàng khô đậu đầu tiên của Mỹ trong niên vụ này, giúp cho giá khô đậu tăng rất mạnh hơn 5% khi kết thúc tuần trước. Mặc dù khô đậu đang ở vùng khá cao và khiến các nhà máy hạn chế việc mua hàng, nhưng nếu giá đậu tương tăng mạnh thì giá khô đậu sẽ vẫn tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Còn với dầu đậu tương, xuất khẩu dầu cọ ở Malysia trong 25 ngày đầu tháng tiếp tục hơn 7% so với tháng trước, dù mức tăng trước đó trong 20 ngày đầu chỉ đạt gần 5%. Trong bối cảnh sản lượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, việc xuất khẩu tăng này càng khiến cho nguồn cung dầu cọ trở nên eo hẹp và hỗ trợ giá đi lên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hỗ trợ giá dầu đậu tương tăng khá mạnh trong sáng nay, mặc dù thị trường dầu thô và dầu thực vật đang chịu áp lực khá lớn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

  • Các yếu tố Bullish (khiến giá tăng):
  • Tốc độ gieo trồng tại các nước Nam Mỹ vẫn đang chậm hơn rất nhiều so với hàng năm, đặc biệt là tại bang Mato Grosso của Brazil.
  • Nguồn cung đậu tương phục vụ ép dầu đang thiếu hụt ở các quốc gia Nam Mỹ do đã đẩy mạnh xuất khẩu trong đầu năm.
  • Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh mua hàng nông sản Mỹ trong thời gian vừa rồi, do lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung vào đầu năm tới vì thu hoạch tại Brazil sẽ bị trì hoãn.
  • Brazil chính thức bỏ thuế nhập khẩu nhóm sản phẩm đậu tương từ ngoài khối Mercosur cho đến hết tháng 1/2021.
  • Các yếu tố Bearish (khiến giá giảm):
  • Xuất khẩu đậu tương tại Argentina đang tăng trở lại do chính phủ giảm thuế.
  • Thời tiết tại Brazil dự báo sẽ có mưa nhiều hơn trong tuần này, giúp cải thiện đáng kể cho độ ẩm đất.
  • Đồng Real duy trì ở mức thấp khuyến khích nông dân Brazil tiếp tục đẩy mạnh bán hàng.

 

DỰ ĐOÁN GIÁ:

  • Đậu tương tháng 11 (ZSX20): Đậu tương sẽ còn có thể tăng tiếp trong vài phiên tới nếu có thêm các đơn hàng mới được xác nhận trong báo cáo Daily Export Sales. Nếu không giá sẽ vẫn giằng co chủ yếu trong vùng 1070 – 1100.
  • Khô đậu tương tháng 12 (ZMZ20): Khô đậu tương sẽ đi theo xu hướng chính của giá đậu tương, và có thể vượt lên mức 400 nếu đậu tương vượt 1100.
  • Dầu đậu tương tháng 12 (ZLZ20): Dầu đậu tương đang chuyển lên khoảng dao động 34.00 – 35.50, xác suất giảm trở lại về dưới mức 34.00 là không cao.

 

 

PHÂN TÍCH BIỂU ĐỒ KĨ THUẬT (BIỂU ĐỒ NGÀY):

  • Đậu tương tháng 11 (ZSX20): Giá đang tăng nhẹ trong sáng nay.

MACD đang hướng lên, ở trên mức 0.

StochF đang hướng lên, ở vùng quá mua.

RSI đang hướng lên, vừa vào vùng quá mua.

Bollingerbands đang hướng lên với khoảng trung bình.  

  • Kháng cự: 1100 ; 1120
  • Hỗ trợ: 1070 ; 1050

=> Mô hình kĩ thuật đang “bullish” mạnh trong ngắn hạn và trung hạn.

 

  • Khô đậu tương tháng 12 (ZMZ20): Giá đang giằng co quanh mức mở cửa trong sáng nay

MACD đang đi ngang, ở cao trên mức 0.

StochF đang đi ngang, ở vùng quá mua.

RSI đang đi ngang, ở vùng quá mua.

Bollingerbands đang hướng lên với khoảng rộng.

  • Kháng cự: 390 ; 400
  • Hỗ trợ: 380 ; 370

=> Mô hình kĩ thuật đang “bullish” mạnh trong ngắn hạn và trung hạn.

 

  • Dầu đậu tương tháng 12 (ZLZ20): Giá đang tăng nhẹ trong sáng nay.

MACD đang hướng lên, ở trên mức 0.

StochF đang hướng lên, vừa vào vùng quá mua.

RSI đang hướng lên, ở trên đường trung bình.

Bollingerbands đang đi ngang với khoảng bó hẹp.

  • Kháng cự: 34.60 ; 35.50
  • Hỗ trợ: 34.00 ; 33.00

=> Mô hình kĩ thuật đang quay lại xu hướng “bullish” trong ngắn hạn.