CBOT: Thị trường nông sản đồng loạt giảm mạnh trong phiên tối qua

Sắc đỏ gần như phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT trong phiên hôm qua. Dù giá vẫn tiếp tục tăng theo đà của phiên hôm trước trong phiên sáng, nhưng giá bất ngờ giảm mạnh trong phiên tối đã xóa bỏ hoàn toàn mức tăng trước đó.

Avatar

Vào 23 giờ đêm nay, USDA sẽ phát hành báo cáo Cung – cầu thế giới tháng 10. Các dự đoán của thị trường về việc USDA có thể sẽ giảm mạnh dự báo tồn kho niên vụ 20/21 cũng đã phần nào phản ánh vào giá, giúp cho các mặt hàng đều đã tăng vọt khoảng 3 – 4% kể từ đầu tuần đến nay. Vì thế, nếu các số liệu tối nay không quá “bullish”, rất có thể thị trường sẽ biến động một cách bất thường và khó duy trì đà tăng này.

Đậu tương kết thúc ngày hôm qua hầu như không thay đổi với giá hợp đồng tháng 11 với chỉ 0.25 cent thấp hơn phiên trước đó, tuy nhiên mức giảm tăng dần đối với các hợp đồng tháng xa, qua đó nới rộng khoảng cách của cấu trúc giá nghịch đảo. Chênh lệch giá giữa hợp đồng tháng 11 và hợp đồng tháng 3 năm sau đã tăng từ gần 20 cents trong phiên hôm trước lên mức xấp xỉ 30 cents. Giá đậu tương bất ngờ tăng vọt trong cuối phiên sáng khi thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ quay lại mua hàng một cách mạnh mẽ khi chuẩn bị quay trở lại làm việc bình thường từ hôm nay, sau 8 ngày nghỉ lễ Quốc khánh. Kỳ vọng này đã được xác nhận bằng báo cáo Daily Export Sales phát hành trước phiên tối qua của USDA, cho thấy Trung Quốc đã mua đến 374,000 tấn đậu tương Mỹ. Cùng với đó là hơn 284,000 tấn bán cho Mexico và một nước giấu tên. Tuy nhiên, giá đậu tương đã tăng gần 60 cents từ đầu tuần đến nay cùng với lực cản lớn tại vùng giá 1070 khiến nông dân bắt đầu việc bán ra ồ ạt, làm cho giá chịu áp lực lớn trong suốt phiên tối. Tác động “bullish” từ báo cáo Export Sales tuần này khi mà bán hàng đậu tương cao hơn dự đoán, đặc biệt là việc Trung Quốc mua đến 1.54 triệu tấn, đã bị triệt tiêu bởi báo cáo mới nhất của CONAB. Sản lượng đậu tương dự kiến niên vụ 20/21 ở Brazil tiếp tục tăng vọt lên mức kỷ lục 133.7 triệu tấn, cao hơn 7% so với niên vụ trước, bất chấp các tác động tiêu cực từ thời tiết trong thời gian gần đây.

Dầu đậu tương và khô đậu tương đều giảm theo xu hướng của giá đậu tương, tuy nhiên vẫn giữ nguyên các diễn biến trái chiều nhau trong phiên tối qua. Giá dầu thô tăng vọt do lo ngại về cơn bão Delta cũng như giá dầu cọ mạnh lên vì thời tiết và dịch bệnh tại Malaysia khiến nguồn cung dầu cọ sụt giảm có tác động hỗ trợ giá dầu đậu tương. Nhưng việc giá khô đậu tương tăng mạnh theo giá đậu tương khi thị trường đang khan hiếm nguyên liệu đã tạo áp lực lớn lên giá dầu đậu tương, làm cho giá dầu đậu không vượt lên được trên mức 33.00. Dù giá khô đậu giảm mạnh hơn trong phiên tối qua nhưng cả đậu tương và khô đậu tương đều đóng cửa ở trên các ngưỡng hỗ trợ quan trọng sẽ giúp cho 2 mặt hàng này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục mạnh lên trong thời gian tới.

Ngô cũng giảm mạnh trong phiên tối qua, sau khi đã tăng trong suốt phiên sáng giống như với các diễn biến của đậu tương. Báo cáo Export Sales tuần này cho thấy doanh số bán hàng của ngô chỉ đạt 1.23 triệu tấn, giảm 40% so với tuần trước và Trung Quốc không mua thêm ngô trong tuần này là các thông tin tác động “bearish” lên giá ngô. Cùng với đó, báo cáo tháng 10 của CONAB cho biết sản lượng ngô niên vụ 20/21 ở Brazil dự kiến sẽ ở mức 105.2 triệu tấn, so với 102.5 triệu tấn đã thu hoạch trong niên vụ trước. Qua đó, xuất khẩu ngô của Brazil niên vụ tới cũng được dự báo sẽ tăng 3% lên mức 35 triệu tấn, cũng góp phần vào mức giảm trong ngày hôm qua của giá ngô CBOT.

Lúa mỳ lại tiếp tục là mặt hàng biến động mạnh nhất trong nhóm nông sản, với mức giảm đột biến gần 2% sau 4 phiên tăng liên tiếp. Không có các đơn hàng mới nào phát sinh từ các nước nhập khẩu chính, cộng với việc không có thêm thông tin nào có tác động “bullish” khiến lực mua bị yếu đi nhiều. Điều này dẫn đến tâm lý tranh thủ bán hàng của nông dân cộng với tâm lý chốt lời của các quỹ đầu cơ sau khi giá lúa mỳ đã tăng vọt hơn 7% từ cuối tuần trước đến nay đã khiến giá rơi tự do ngay sau khi mở cửa phiên tối qua. Các số liệu tích cực từ báo cáo Export Sales tuần này của lúa mỳ Mỹ khi mà bán hàng và giao hàng đều tăng nhẹ cũng không cản được đà giảm trên. Thông tin các doanh nghiệp tại Argentina sẽ chính thức áp dụng các sản phẩm biến đổi gien (GMO) đối với lúa mỳ để cung cấp cho Brazil, cũng có tác động “bearish” đối với thị trường lúa mỳ trong thời gian tới. Các sản phẩm GMO trước đó đã được áp dụng rộng rãi trên ngô và đậu tương nhưng lúa mỳ thì hiện vẫn chưa có nhiều hỗ trợ từ công nghệ này.