Phần lớn các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT đều tăng trở lại trong phiên cuối tuần, sau khi đã giảm liên tiếp từ đầu tuần đến nay. Lúa mỳ tiếp tục có diễn biến trái chiều với tất cả các mặt hàng còn lại, nhưng không nằm ngoài những gì Giaodich24 đã phân tích trước đó.

Tâm lý chốt lời và hạn chế nắm giữ vị thế qua cuối tuần là động lực chính dẫn dắt phiên hôm qua. Bên cạnh đấy, thị trường cũng đang chuyển sang trạng thái giao dịch thận trọng để chờ đợi USDA công bố báo cáo Tồn kho quý vào 23h tối thứ 4 tuần tới (theo giờ Việt Nam). Đây sẽ là số liệu chốt tồn kho cuối niên vụ 2019/20 đối với đậu tương và ngô, vì thế thường sẽ có tác động đáng kể đến thị trường sau khi báo cáo được phát hành.

Đậu tương đóng cửa ngày hôm qua chỉ tăng rất nhẹ, với diễn biến khá giằng co trong phiên. Giá khi kết thúc phiên sáng đã bị đẩy sâu xuống dưới mức hỗ trợ 1000, nhưng tăng mạnh trở lại ngay khi bắt đầu phiên tối, ngay cả khi đây là ngày thứ 2 liên tiếp không có đơn hàng đậu tương mới nào phát sinh từ báo cáo hàng ngày của USDA. Do đó, diễn biến này chủ yếu đến từ tâm lý chốt lời của giới đầu cơ sau khi giá đã giảm rất mạnh từ đầu tuần đến nay, và việc nắm giữ trạng thái qua cuối tuần sẽ mang lại khá nhiều rủi ro. Dự đoán của thị trường về tồn kho đậu tương cuối niên vụ 2019/20 của Mỹ không khá biệt nhiều so với báo cáo WASDE tháng 9, và đều giảm mạnh so với niên vụ trước, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương khó có thể giảm sâu hơn nữa. Tuy nhiên thời tiết thuận lợi tại Mỹ đang khiến tốc độ thu hoạch ở đây được đẩy mạnh vẫn là nguyên nhân khiến giá không thể tăng mạnh tại thời điểm này.

Dầu đậu tương và khô đậu tương cũng đồng loạt tăng trở lại trong phiên hôm qua nhờ lực mua kỹ thuật áp đảo thị trường khi giá 2 mặt hàng này bị đẩy về các ngưỡng hỗ trợ. Giá dầu đậu tương đã tăng sớm ngày từ đầu phiên sáng khi giá về gần mức 32.00, qua đó tạo áp lực đáng kể lên khô đậu tương và khiến giá mặt hàng này bị đẩy về dưới mức cả mức hỗ trợ 335.0. Tuy nhiên, báo cáo Daily Export Sales cho biết, Mỹ đã bán 100,000 tấn khô đậu cho một quốc gia giấu tên, đã giúp giá bật tăng mạnh trở lại khi bắt đầu phiên tối và duy trì mức tăng đến hết phiên. Nguồn cung vẫn đang rất eo hẹp trên toàn cầu đối với cả dầu đậu lẫn khô đậu, sẽ giúp giá khó có thể giảm tiếp trong thời gian tới.

Ngô tiếp tục lình xình trong biên độ khá hẹp, và xu hướng thì đi theo giá đậu tương trong suốt cả tuần này. Giá tăng trong phiên hôm qua cũng chủ yếu do tâm lý chốt lời sau khi đã giảm liên tiếp 4 phiên từ đầu tuần đến nay. Dự đoán tồn kho ngô của thị trường không khác biệt nhiều so với báo cáo Cung – cầu tháng 9 của USDA và cũng không có thay đổi đáng kể nào so với năm ngoái, vì thế giá ngô đang khá ổn định. Thời tiết khô ở miền nam Brazil ảnh hưởng nhẹ đến tiến độ phát triển của mùa vụ ngô tại đây, nhưng ngô vụ 1 chiếm tỉ trọng chỉ khoảng 30% của nước này, và được cân bằng lại nhờ thu hoạch ngô Mỹ thuận lợi. Giá ngô tại thời điểm này sẽ khó có thể hình thành 1 xu hướng rõ ràng, do đó thị trường đa phần sẽ giao dịch với tâm lý khá thận trọng và chờ đợi thêm các thông tin mới.

Lúa mỳ là mặt hàng duy nhất giảm trong phiên cuối tuần, và là phiên thứ 2 liên tiếp trái chiều với toàn bộ các mặt hàng còn lại trong nhóm nông sản. Các quỹ đầu cơ đã thoát gần như toàn bộ vị thế mua ròng đang nắm giữ trong phiên hôm qua, khiến cho giá lúa mỳ duy trì lực bán mạnh trong phần lớn thời gian. Bên cạnh đấy, giá Dollar Mỹ tiếp tục tăng với tổng cộng 4/5 phiên trong tuần này, dẫn đến việc giá lúa mỳ xuất khẩu Mỹ trở nên kém cạnh tranh, cũng là nguyên nhân khiến cho giá lúa mỳ nhận được rất ít lực hỗ trợ. Thị trường vẫn chưa có thông tin cơ bản nào có thể tác động đến giá lúa mỳ, và chuyển động giá phụ thuộc vào giới đầu cơ trong 2 tuần vừa qua cũng gần như kết thúc. Vì thế, giá lúa mỳ nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang trong tuần tới để tích lũy và chợ đợi các số liệu cụ thể từ mùa vụ của các nước sản xuất chính.