Sắc đỏ phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT phiên hôm qua, với ngô và lúa mỳ tiếp tục dẫn đầu về mức giảm. Đa phần các mặt hàng đều mất những mức hỗ trợ quan trọng, có thể sẽ gây sức ép lên giá trong phiên cuối tuần này.

Số ca nhiễm mới của Mỹ ước tính tăng lên mức kỷ lục gần 200,000 ca trong ngày 12/11, bằng 1/3 số ca mới trên toàn cầu. Trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin cơ bản hỗ trợ giá, thì lo ngại về làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19 trong mùa đồng này ngay lập tức tác động đến giá các mặt hàng nông sản, khiến cho giá giảm mạnh trong phiên tối.

Đậu tương giảm điều chỉnh 0.6% sau 3 phiên tăng liên tiếp, với diễn biến giằng co quanh mức 1150 trong buổi sáng và rơi rất mạnh sau khi mở cửa phiên tối. Thị trường kỳ vọng sẽ có thêm đơn hàng mới từ Trung Quốc trong báo cáo Daily của USDA, do trước đó là ngày nghỉ lễ Cựu chiến binh. Tuy nhiên, không có bất cứ đơn hàng nào được xác nhận khiến mức hỗ trợ quan trọng 1150 không cản lại được lực bán chốt lời của thị trường. Giá có bật tăng trở lại vào cuối phiên sau khi đã giảm đến gần 15 cents, tuy nhiên việc đóng cửa dưới mức 1150 có thể tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường trong phiên hôm nay. Số liệu bán hàng trong báo cáo Export Sales có thể nói là thông tin quan trọng và được chờ đợi nhất tại thời điểm này. Dự báo thời tiết mới nhất tại Nam Mỹ đang khá tích cực, với việc sẽ có mưa bao phủ khoảng 90% diện tích gieo trồng tại Brazil trong 10 ngày tới, còn Argentina cũng sẽ có mưa lớn nhiều vào cuối tháng 11 này. Các thông tin này đều tác động “bearish” đến giá đậu tương và làm giảm ảnh hưởng từ mức tồn kho thấp của đậu tương Mỹ niên vụ 20/21 vừa được công bố trong báo cáo WASDE.

Dầu đậu tương và khô đậu tương đồng loạt giảm theo xu hướng chủ đạo của giá đậu tương, nhưng với các biên độ khác nhau. Giá khô đậu tương giảm mạnh hơn 1% khi lo ngại về nguồn cung giảm bớt, giúp giảm bớt sức ép lên giá dầu đậu tương. Hơn thế nữa, giá dầu cọ Malaysia tiếp tục có phiên tăng thứ 4 liên tiếp và lần đầu tiên vượt qua giá dầu đậu tương CBOT kể từ tháng 2 đến nay, ngay cả khi giá dầu đậu tương đang ở mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Sản lượng dầu cọ tại Malaysia trong 10 ngày đầu tháng 11 giảm 11.9% so với tháng trước, vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho giá các loại dầu thực vật trong thời gian tới, khi mà nguồn cung ngày càng eo hẹp.

Ngô là mặt hàng giảm mạnh nhất trong ngày hôm qua, với mức giảm lên đến hơn 2%, xóa bỏ hoàn toàn mức tăng của 2 phiên đầu tuần. Giá giảm mạnh trong đầu phiên sáng vẫn do tác động kéo dài từ lúa mỳ, nhưng đã tăng trở lại vào cuối phiên sáng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường không có thêm các thông tin hỗ trợ, cộng với một loạt các tác động tiêu cực từ số ca nhiễm mới ở Mỹ, thời tiết thuận lợi ở Nam Mỹ và việc bán hàng ảm đạm, đã khiến lực bán áp đảo hoàn toàn trong phiên tối và đẩy giá về dưới cả mức hỗ trợ 410. Sản lượng Ethanol trong báo cáo của EIA tiếp tục có tuần tăng thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên tồn kho cũng tăng mạnh đồng nghĩa với nhu cầu tiêu thụ giảm, khiến cho thị trường trở nên bi quan về nhu cầu ngô cho sản xuất nhiên liệu trong thời gian tới. Các quỹ đầu cơ đã bán ra đến 45,000 hợp đồng mua ròng, sau khi bổ sung 40,000 hợp đồng mua hôm phát hành báo cáo Cung cầu tháng 11, cũng là nguyên nhân khiến giá giảm mạnh.

Lúa mỳ tiếp tục giảm thêm trong ngày hôm qua, chủ yếu vẫn do tác động tiêu cực kéo dài từ tin đồn về hạn ngạch xuất khẩu của Nga trong cuối niên vụ 20/21. Đây cũng không phải là diễn biến bất ngờ sau khi giá bị mất hỗ trợ tâm lý 600 trong phiên trước đó. Giá test lại kháng cự quan trọng này và giảm lại, cho thấy xu hướng giảm có thể sẽ kéo dài 1 – 2 phiên tiếp theo. Thông tin đáng chú ý nhất trong ngày hôm qua là Strategie Grains dự báo xuất khẩu lúa mỳ mềm của khối EU-28 niên vụ 2020/21 ở mức 24.3 triệu tấn, giảm từ mức 25 triệu trong báo cáo tháng 10, do tính cạnh tranh sụt giảm từ lúa mỳ Pháp. Tuy nhiên, thông tin này cũng không có tác động quá lớn đến giá trên sàn Chicago.