Sàn CBOT quay trở lại giao dịch trong phiên tối qua, sau kỳ nghỉ lễ đón năm mới, và đóng cửa trong sắc xanh, màu sắc chung của các thị trường hàng hóa và tài chính trong ngày đầu năm. Thông tin Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm ký thỏa thuận vào giữa tháng 1 này vẫn là thông tin cơ bản “bullish” quan trọng và có thể khiến giá các mặt hàng tăng mạnh hơn nếu Trung Quốc mua số lượng lớn nông sản Mỹ như các cam kết trước đó. Ngoài ra, thị trường cũng đang dồn sự chú ý đến các báo cáo ngày 10/01/2020 của USDA. Báo cáo Crop Production hàng năm, là số liệu gần chính xác về sản lượng mùa vụ Mỹ 2019/20 và các số liệu này sẽ được cập nhật trong báo cáo WASDE tháng 1. Ngoài ra, cũng trong ngày này sẽ có báo cáo Grains Stocks, là số liệu tồn kho các loại ngũ cốc của Mỹ đến hết ngày 01/12/2019, là chỉ báo rất quan trọng để đánh giá mức tồn kho cuối vụ của Mỹ trong niên vụ 2019/20. Vì thế, các dự đoán trước báo cáo ngày 10/01 có thể sẽ có tác động đáng kể đối với thị trường. Sau báo cáo, giá sẽ có biến động rất mạnh.

Đậu tương, dầu đậu nành và khô đậu đều đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua với mức tăng nhỏ. Thị trường ban đầu tỏ ra hứng khởi với kỳ vọng vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Nhưng thông tin Trung Quốc mở đường nhập khẩu đậu tương từ các nước ở biên giới phía bắc như Nga, Kazakhstan và Ukraina là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tìm cách giảm phụ thuộc vào đậu tương nhập khẩu từ Mỹ trong dài hạn, là thông tin khiến giá giảm trở lại. Báo cáo Ép dầu của USDA cho biết ép dầu đậu tương của Mỹ trong tháng 11 giảm so với tháng 10 và cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, có thể là thông tin “bearish” đối với thị trường trong phiên sáng nay. Trên thị trường dầu thực vật, giá dầu cọ Malaysia tăng 2% trong ngày hôm qua sau khi Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu dầu cọ thô và dầu cọ tinh chế trong ngày thứ ba. Ngoài ra, báo cáo của USDA chi nhánh Malaysia cho thấy sản lượng dầu cọ 2019/20 của nước này bị giảm dự báo do thời tiết hạn hán, càng làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung tại Malaysia và khiến giá dầu cọ tăng mạnh. Đà tăng trên thị trường dầu thực vật cũng phần nào khiến giá dầu đậu nành tăng nhiều hơn, đồng thời khiến giá khô đậu yếu hơn các mặt hàng khác.

Ngô đóng cửa tăng nhiều nhất trên sàn CBOT trong ngày hôm qua, là diễn biến tương đối bất ngờ khi không có thông tin cơ bản nào quá đặc biệt. Theo các hãng tin lớn, thị trường đang có chung quan điểm rằng USDA sẽ điều chỉnh giảm năng suất và sản lượng đậu tương Mỹ trong báo cáo Crop Production ngày 10/01/2020 tới đây, qua đó có thể giảm tồn kho cuối vụ Mỹ trong báo cáo WASDE tháng 1. Ngoài ra, thời tiết mùa vụ tại Argentina và phía nam Brazil vẫn chưa thực sự tốt, cũng là nguyên nhân khiến giá ngô khá vững vàng trong thời gian gần đây. Báo cáo rạng sáng nay của USDA cho thấy sử dụng ngô cho nhiên liệu cồn tại Mỹ trong tháng 11 tăng mạnh so với tháng 10 và cùng kỳ năm ngoái, cũng sẽ là thông tin “bullish” và có thể khiến giá tăng thêm trong phiên sáng.

Lúa mỳ đóng cửa tăng nhẹ trong phiên hôm qua với diễn biến không có gì đặc biệt. Giá tăng – giảm chủ yếu do hoạt động từ các quỹ đầu cơ. Trong ngắn hạn, lo ngại về lúa mỳ vụ đông tại Mỹ vẫn sẽ là yếu tố “dominate” – áp đảo thị trường. Các vùng trồng nhiều lúa mỳ ở vùng đồng bằng phía nam và phía tây bắc vẫn đang trong giai đoạn hạn hán nghiêm trọng hơn, và dự báo thời tiết không có nhiều cải thiện trong 5 – 7 ngày tới. Điều này sẽ khiến giá lúa mỳ khó giảm nhiều trong thời gian tới.

Giaodich24