Đậu tương giảm rất mạnh trong ngày hôm qua, là mặt hàng dẫn dắt khô đậu và dầu đậu nành, cũng như dẫn dắt toàn thị trường CBOT giảm điểm. Giá đậu tương đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng 8 tháng, còn các hợp đồng khô đậu đóng cửa ở mức thấp nhất trên các biểu đồ tháng gần. Đến sáng nay, có vẻ như lực mua đã quay trở lại sau khi nhận ra thị trường đã giảm hơi thái quá, kết hợp với lực mua chốt lời ngắn hạn trước khi đóng cửa cuối tuần, nên các hợp đồng đậu tương và khô đậu đều có gapup và tăng nhẹ sau đó. Đậu tương có thể hy vọng vào phiên tăng điểm này, chấm dứt chuỗi 8 phiên giảm liên tiếp trước đó và chặn được đà giảm này ở hỗ trợ kỹ thuật 880.

Báo cáo Export Sales tối qua của USDA rõ ràng là số liệu “bearish” đối với thị trường. Bán hàng đậu tương 2019/20 thấp hơn dự đoán và giảm mạnh so với tuần trước. Trong đó, Trung Quốc hầu như không mua thêm hàng trong tuần này, tiếp tục nối dài thất vọng sau khi Mỹ - Trung đã đặt bút ký vào thỏa thuận giai đoạn 1 hồi giữa tháng. Trung Quốc vẫn chưa thực hiện cam kết mua nông sản Mỹ, sẽ là yếu tố gây căng thẳng giữa 2 nước trong vòng đàm phán thứ 2 sẽ sớm diễn ra.

Bên cạnh đó, thị trường đang có những lo ngại về Virus Corona. Chưa bàn về nhu cầu sử dụng TĂCN hay ép dầu, Virus Corona đang ảnh hưởng tới quá trình xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Theo đó, có một số tin đồn rằng Trung Quốc đang hạn chế dỡ hàng nông sản tại các cảng biển, để tránh cho những nhân viên người nước ngoài không bị lây nhiễm bệnh từ người Trung Quốc, giúp Virus Corona hạn chế lây lan ra toàn cầu. Đây rõ ràng là thông tin “bearish” mạnh và sẽ còn tác động đến thị trường trong thời gian tới. Rạng sáng nay, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì Virus Corona, có thể sẽ khiến các hãng tàu được phép tạm dừng dỡ hàng hóa xuống cảng, để đề phòng lây nhiễm Virus.

Thị trường Trung Quốc sẽ vẫn nghỉ Tết đến hết ngày 03/02, và từ giờ đến lúc đó sẽ không có hợp đồng mua hàng lớn nào. Bộ nông nghiệp Trung Quốc đang yêu cầu các nhà máy ép dầu vẫn tiếp tục hoạt động, còn chính phủ Trung Quốc kêu gọi các nhà máy TĂCN nhanh chóng sản xuất và cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Theo đánh giá của Giaodich24, vùng giá khô đậu hiện nay đang là vùng giá thuận lợi để pricing đối với các buyers Việt Nam cho các hợp đồng tháng 3 và tháng 5. Giá CBOT đã ở dưới 300 và có thể sẽ không ở lâu dưới mức này. Giá basis các tháng 4 – 5 ở mức cao, nhưng không ở trên 50 USD/tấn, nên vẫn có thể pricing mua hàng ở vùng giá flat trung bình tại thời điểm này. Xác suất giá giảm thêm nếu Virus Corona nghiêm trọng hơn là vẫn còn, nhưng phần giảm thêm sẽ không nhiều. Và nếu so sánh với thiệt hại nếu giá tăng lại, Giaodich24 cho rằng các buyers Việt Nam nên chốt ít nhất 50% hàng ở vùng giá hiện tại để đảm bảo an toàn.

  • Dự đoán đậu tương tháng 3: Giá có thể có điều chỉnh tăng lại 5 – 8 cents trước khi  diễn biến tiếp xu hướng chính là giảm, tiệm cận vùng giá 880.
  • Dự đoán khô đậu tháng 3: Giá sẽ có thể tăng nhẹ lại theo đậu tương trước khi tiếp diễn xu hướng đi xuống nhận vùng 291 làm vùng giá hỗ trợ.

 

Ngô đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua không có gì bất ngờ bởi Trung Quốc là nước có nhu cầu sử dụng ngô lớn nhất thế giới. Báo cáo Export Sales tuần này có số liệu bán hàng ngô tăng 23% so với tuần trước và tăng gần gấp đôi trung bình 4 tuần qua, nên là yếu tố giúp ngô không bị giảm mạnh như đậu tương. Giá đang trượt xuống dưới mức hỗ trợ 381, nhưng chưa giảm quá sâu, vì thế chưa thể coi là đã phá vỡ khoảng giao dịch đi ngang 381 – 391. Tuy nhiên, nếu tình hình Virus Corona tiếp tục lây lan và có thêm nhiều người chết, xác suất giảm của ngô sẽ cao hơn và giá có thể giảm sâu nếu dịch lây lan sang các nước lân cận như Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Đến sáng nay, ngô đang hồi phục nhẹ, cũng là xu hướng chung trên sàn CBOT, có thể do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ trước khi đóng cửa tuần.

  • Dự đoán ngô tháng 3: Giá đang nhận vùng 377 ± làm vùng hỗ trợ mạnh và có thể sẽ tăng điểm trong ngày hôm nay và duy trì khoảng giao dịch cứng 381 – 391 trong vài phiên tới.

Lúa mỳ là mặt hàng giảm ít nhất trên sàn CBOT trong ngày hôm qua. Đà tăng vào cuối phiên còn khiến giá tiếp tục tăng nhẹ trong phiên sáng nay, và khiến các mô hình kĩ thuật không còn ở trạng thái “bearish” nhiều như trước. Trong phiên sáng và nửa đầu phiên tối qua, lúa mỳ giảm điểm theo xu hướng chung của sàn CBOT, với lo ngại về Virus Corona. Báo cáo Export Inspections cũng bị đánh giá là “bearish” đối với lúa mỳ, khi số liệu bán hàng giảm nhẹ so với tuần trước, còn giao hàng ở mức thấp nhất từ đầu niên vụ 2019/20. Tuy nhiên, kể từ giữa phiên tối, lực mua bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và giúp lúa mỳ tăng điểm đảo chiều trở lại. Đây là diễn biến không có gì bất ngờ, bởi lúa mỳ có rất nhiều thông tin cơ bản “bullish” hỗ trợ trong ngắn hạn. Lo ngại về sản lượng lúa mỳ tại Úc, Mỹ và cả khu vực biển Đen; Nga hạn chế xuất khẩu ngũ cốc; đình công tại Pháp ảnh hưởng tới xuất khẩu;… Vì thế, Giaodich24 cho rằng lúa mỳ sẽ chỉ bị tác động “bearish” gián tiếp từ những mặt hàng khác, chứ không giảm mạnh trong thời gian tới.

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 3: Giá đang có diễn biến do dự và nhận vùng giá 575 và 550 làm vùng giá kháng cự và hỗ trợ trước các diễn biến xu hướng rõ ràng sau đó. Khả năng giá sẽ đi ngang trong ngày hôm nay cho đến hết các phiên đầu tuần sau. Ưu tiên chiến lược bán tại vùng giá tiệm cận 575.

 

TIN NGŨ CỐC 24 GIỜ QUA

Báo cáo Xuất khẩu – Export Sales của USDA:

- Mời xem chi tiết trong file đính kèm.

• Báo cáo Bán hàng hàng ngày – Daily Export Sales của USDA:

- Bán 30,000 tấn dầu đậu nành 2019/20 cho Ai Cập.

• Báo cáo của USDA chi nhánh Indonesia:

- Sản lượng dầu cọ của nước này trong năm 2019/20 dự đoán ở mức 43.0 triệu tấn, bằng với dự đoán trong báo cáo chính thức của USDA, và cao hơn mức 41.5 triệu tấn trong niên vụ trước.

- Xuất khẩu dầu cọ của Indonesia trong niên vụ 2018/19 được điều chỉnh lại ở mức 28.27 triệu tấn, so với mức 29.20 triệu tấn trong báo cáo chính thức của USDA. Xuất khẩu dầu cọ 2019/20 dự báo ở mức 28.70 triệu tấn, cũng thấp hơn mức 30.2 triệu tấn trong báo cáo tháng 1 của USDA.

• Báo cáo của Sở giao dịch Buenos Aires Exchange:

- Tiến độ gieo trồng đậu tương trên cả nước Argentina hiện đã kết thúc, đạt 100%, so với 97.6% tuần trước và 100% cùng kỳ năm ngoái. Diện tích gieo trồng ước tính đạt 17.4 triệu héc-ta, giảm 200,000 héc-ta so với năm ngoái. Tuy nhiên, Buenos Aires Exchange dự báo sản lượng đậu tương năm nay sẽ đạt 53.1 triệu tấn, tăng 4.1% so với mức 51.0 triệu tấn trong dự đoán trước, nhưng thấp hơn so với sản lượng 55.1 triệu tấn năm ngoái. Thời tiết thuận lợi hơn ở các vùng sản xuất đậu tương lớn trong thời gian gần đây.

- Gieo trồng ngô tại Argentina đã đạt 97.0% diện tích dự kiến, so với 94.7% tuần trước và 96.8% cùng kỳ năm ngoái. Diện tích gieo trồng ngô năm nay được dự đoán ở mức 6.3 triệu héc-ta.

• Trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình Nga, ông Roman Nekrasov, một quan chức của Bộ nông nghiệp cho biết khoảng 5.7% diện tích trồng ngũ cốc vụ đông tại Nga đang có chất lượng kém. Thời tiết tại Nga trong mùa đông năm nay vẫn ấm và khô hơn nhiều so với mức bình thường, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng mùa vụ.

• GASC của Ai Cập thông báo đã mua tổng cộng 180,000 tấn lúa mỳ Pháp, chia thành 3 shipments trong buổi đấu giá hôm nay. Hàng giao trong giai đoạn 01 – 25 tháng 3. Giá mua trung bình là $231.10/tấn FOB Dunkirk, giảm $5.17/tấn so với buổi đấu giá gần nhất cách đây 2 tuần của GASC, khi Ai Cập mua 180,000 tấn lúa mỳ Nga và 60,000 tấn lúa mỳ Romania.

Giaodich24