Đậu tương và khô đậu đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua, trong khi dầu đậu nành giảm điểm theo thị trường dầu thực vật. Chính vì giá dầu đậu nành yếu đi, nên khô đậu mạnh lên trong ngày hôm qua và là mặt hàng tăng nhiều nhất trên sàn CBOT. Báo cáo Daily Export Sales bán 126,000 tấn đậu tương cho Trung Quốc không phải con số lớn, và không phải nguyên nhân khiến giá tăng điểm. Báo cáo Export Inspections với số giao hàng kém hơn tuần trước, thậm chí còn khiến giá giảm nhẹ vào nửa cuối phiên tối. Nguyên nhân thị trường tăng điểm chủ yếu do kỳ vọng sau khi Mỹ - Trung đặt bút ký thỏa thuận thương mại, Trung Quốc sẽ có các động thái mở cửa hơn đối với đậu tương Mỹ. Đối với thị trường dầu thực vật, cả dầu đậu nành và dầu cọ đều giảm điều chỉnh trong ngày hôm qua, sau khi lần lượt tăng lên mức cao nhất 2 năm và 3 năm trong tuần trước. Indonesia đã chính thức thi hành chính sách B30, tăng sử dụng dầu cọ trong sản xuất biodiesel trong nước. Điều này sẽ khiến nguồn cung xuất khẩu trở nên ít hơn và là thông tin “bullish” đối với giá dầu cọ thế giới. Tuy nhiên, giá thực tế đã tăng mạnh trong thời gian qua dựa vào thông tin này, nên sau khi chính sách được áp dụng, chưa chắc đã tạo ra thêm lực mua trên thị trường.

  • Dự đoán đậu tương tháng 1: Giá có thể sẽ giảm nhẹ và ít biến động trong ngày hôm nay. Biên độ dự kiến 933 - 928
  • Dự đoán khô đậu tháng 1: Giá sẽ điều chỉnh và tăng nhẹ trong vùng giá 299 – 301.5

Ngô đóng cửa tăng điểm sau 1 phiên giao dịch với khoảng rất hẹp trong ngày hôm qua. Thị trường không có thông tin cơ bản mới khiến ngô hầu như chỉ đi ngang với khoảng hẹp trong vòng hơn 1 tuần qua. Diễn biến này sẽ được tiếp diễn trong thời gian tới và sẽ rất khó để ngô có thể tăng – giảm quá 5 cents mỗi phiên khi volume thị trường giảm mạnh trong kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới. Báo cáo Export Inspections tối qua đưa ra số giao hàng giảm mạnh so với tuần trước, là thông tin “bearish” đối với ngô. Hải quan Trung Quốc báo cáo nhập khẩu ngô tháng 11 đạt 100k tấn, nhập khẩu ngô từ đầu năm đạt 4.06 triệu tấn, tăng 30% so với năm ngoái. Nhưng đây không phải là con số lớn trong cán cân cung – cầu ngô thế giới nên hầu như không có tác động đối với sàn CBOT.

  • Dự đoán ngô tháng 3: Giá sẽ vẫn ở trong khoảng giao dịch 387 - 390 trong ngắn hạn. Giao dịch sẽ vẫn diễn ra lình xình trong ngày hôm nay.

 

Lúa mỳ đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, đã là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của lúa mỳ Chicago. Lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên tối dù không có thông tin cơ bản nào đặc biệt. Số liệu giao hàng tăng trong báo cáo Export Inspections cũng chỉ có thể khiến giá tăng hồi phục nhẹ sau đó, chứ không thể đảo chiều thành 1 phiên tăng điểm. Các thông tin cơ bản không có gì mới, nên diễn biến giao dịch hôm qua bị thao túng khá nhiều bởi nhóm đầu cớ ngắn hạn. Khoảng giao dịch 525 – 550 vẫn được duy trì nên không ảnh hưởng đến xu hướng của thị trường.

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 3: Giá sẽ tiếp tục giao dịch với khoảng hẹp trong ngày hôm nay và ở giữa khoảng 536 - 542.

 

TIN NGŨ CỐC CƠ BẢN 24 GIỜ QUA

• Báo cáo Giao hàng – Export Inspections của USDA:

- Mời xem chi tiết trong file đính kèm.

• Báo cáo Bán hàng hàng ngày – Daily Export Sales:

- Bán 126,000 tấn đậu tương 2019/20 cho Trung Quốc.

- USDA thông báo có 220,500 tấn đậu tương trước đó thông báo đã bán cho nước giấu tên, sẽ được chuyển thành 154,500 tấn bán cho Hà Lan và 66,000 tấn bán cho Ả rập Xê út. Đây đều là hàng giao trong niên vụ 2019/20.

• Báo cáo của Hải quan Nga:

- Xuất khẩu các loại ngũ cốc của nước này trong tuần trước đạt 731,000 tấn, so với 895,000 tấn tuần trước nữa, nâng xuất khẩu từ đầu niên vụ lên mức 24.5 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Trong đó, xuất khẩu lúa mỳ trong tuần trước đạt 567,000 tấn, so với mức 674,000 tuần trước nữa; nâng xuất khẩu lúa mỳ từ đầu niên vụ 2019/20 lên mức 20.2 triệu tấn, chậm hơn 14% so với năm 2018.

- Xuất khẩu ngô trong tuần trước đạt 83,000 tấn, so với mức 93,000 tấn tuần trước nữa; nâng xuất khẩu ngô từ đầu niên vụ 2019/20 lên mức 1.4 triệu tấn.

• Báo cáo của Ủy ban liên minh châu Âu – EU Commission:

- Xuất khẩu lúa mỳ của các nước châu Âu trong tuần trước đạt 151,452 tấn. Xuất khẩu lúa mỳ lũy kế từ đầu niên vụ 2019/20 đã đạt 13.4 triệu tấn,tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Nhập khẩu ngô trong tuần trước đạt 371,000 tấn. Nhập khẩu từ đầu niên vụ 2019/20 lên mức 10.2 triệu tấn, tăng 1.6% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Nhập khẩu đậu tương trong tuần trước đạt 191,000 tấn, nâng nhập khẩu từ đầu niên vụ 2019/20 lên mức 6.6 triệu tấn, giảm 0.1% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Nhập khẩu khô đậu trong tuần trước đạt 473,013 tấn, nâng nhập khẩu từ đầu niên vụ 2019/20 lên mức 9.3 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

• Bộ nông nghiệp Indonesia đã thi hành chính sách nhiên liệu sinh học bao gồm 30% dầu cọ, là mức pha trộn bắt buộc cao nhất trên thế giới hiện nay. Chính sách này nhằm cắt giảm việc phải nhập khẩu nhiên liệu của Indonesia, cũng như tăng mức tiêu thụ dầu cọ trong nước.

Giaodich24