Đậu tương đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, trong khi khô đậu tăng điểm nhẹ. Rõ ràng, từ đầu tuần này, giá khô đậu mạnh hơn khá nhiều so với đậu tương. Một phần nguyên nhân là do lực mua hàng thật của các buyers, khi giá CBOT đã giảm gần về vùng hỗ trợ tâm lý 300. Một phần do giá dầu đậu nành đang có chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp và đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 tuần. Khi giá đậu tương ít thay đổi, giá khô đậu và dầu đậu nành vẫn thường ngược chiều với nhau như vậy.

Tối qua, giá đậu tương khởi đầu phiên tối khá tốt với mức tăng điểm sau báo cáo Daily Export Sales bán 106,000 tấn đậu tương cho nước giấu tên, cùng với thông tin Trung Quốc đã mua 7 tàu đậu tương Mỹ trong tuần này. Tuy nhiên, thị trường cũng đón nhận các thông tin “bearish” từ Brazil, khi CONAB tăng dự báo sản lượng đậu tương của nước này lên mức 120.9 triệu tấn, và AgroConsult đưa ra dự đoán ở mức 124.0 triệu tấn. Các thông tin này có tác động chậm hơn đối với giá đậu tương, và khiến thị trường quay đầu giảm lại vào cuối phiên tối. Vì lực bán này mà đậu tương đảo chiều giảm điểm, còn khô đậu đóng cửa với mức tăng nhẹ. Nhìn chung, khoảng giao dịch trong phiên hôm qua rất hẹp, nên diễn biến lên – xuống này cũng chưa có nhiều ý nghĩa về mặt xu hướng. Đậu tương vẫn ở trạng thái “bearish”, nhưng còn cách xa mức 900. Trong khi đó, khô đậu đang ở cao trên mức 300 nên không còn “bearish” nhiều như các phiên trước.                

Rạng sáng nay, theo Reuters, Mỹ có thể sẽ đánh thuế đối với 156 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào Giáng sinh năm nay, nếu không đạt được thỏa thuận thương mại. Mặc dù cả 2 nước đều cho biết tiến độ đàm phán đang rất tốt, nhưng chỉ khi nào Mỹ và Trung Quốc đặt bút ký vào thỏa thuận, thì thị trường mới hết lo lắng. Từ giờ tới lúc đó, Giaodich24.vn cho rằng đậu tương và khô đậu sẽ khó có thể tăng mạnh, nếu tăng, đậu tương cũng chỉ tăng lên sát mức 925, còn khô đậu sẽ vẫn ở dưới 312 trong khoảng thời gian này. Những cơn mưa trong vài ngày tới ở cả Brazil và Argentina là các thông tin tốt hơn cho mùa vụ, giúp chất lượng đậu tương không đáng lo ngại như hồi đầu tháng 10.

  • Dự đoán đậu tương tháng 1/2020: Giá có thể sẽ vẫn giao dịch lình xình ở giữa khoảng 900 – 925 trong phiên hôm nay do thiếu thông tin cơ bản.
  • Dự đoán khô đậu tháng 12/2019: Giá sẽ đi theo đậu tương và có thể mạnh hơn trong ngắn hạn. Khô đậu sẽ khó quay trở lại vùng 300 trong vài phiên tới.

 

Ngô đóng cửa giảm điểm trở lại trong phiên hôm qua, khi các quỹ đầu cơ đang mua – bán với số lượng lớn trong những phiên gần đây. Khi thời gian của hợp đồng tháng 12 gần kết thúc, các quỹ sẽ dần rolling trạng thái sang tháng tiếp theo là tháng 3 và sẽ gây ra sự biến động khó lường trên thị trường.

Ngô không có thông tin cơ bản nào quan trọng trong phiên hôm qua, nên giá chủ yếu bị tác động “bearish” nhẹ sau báo cáo Crop Progress. Trong báo cáo tuần này, tiến độ thu hoạch ngô đã tốt hơn, làm giảm các nguy cơ bị thiệt hại bởi băng giá. Ngoài ra, thời tiết tại Midwest cũng đã ấm hơn và sẽ hoàn toàn khô ráo trong 48 giờ tới, vừa giúp nông dân có thể thu hoạch nhanh hơn, vừa làm giảm lo ngại về tuyết và băng giá đối với mùa vụ. Ngoài ra, dịch tả heo vẫn đang bị phát hiện các ổ dịch mới tại Trung Quốc, Campuchia, Lào và Thái Lan. Tại Việt Nam, dịch vẫn âm ỉ và người dân chưa thể tái đàn. Còn ở Hàn Quốc, các lo ngại về dịch cũng đang lớn hơn bao giờ hết. Vì thế, các buyers tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á sẽ rất thận trọng về khối lượng khi mua hàng trong thời gian tới.

Tại thị trường Việt Nam, tồn kho nội địa vẫn ở mức cao, dẫn đến giá nội địa liên tục giảm sâu. Hiện nay, với giá CBOT hiện tại, quy đổi ra giá nội địa cho hàng giao tháng 2 – 3, đang cao hơn khá nhiều so với giá nội địa hiện nay. Nên chiến lược mua hàng của các nhà máy TĂCN sẽ thiên về mua nội địa của các công ty thương mại lớn trong giai đoạn cuối năm 2019 này. Thị trường dự kiến sẽ giảm bớt nguồn cung vào tháng 1 năm sau, và khi đó các nhà máy sẽ hết tồn kho. Vì thế, dự kiến đến giữa hoặc cuối tháng 12, các buyers Việt Nam sẽ phải mua số lượng lớn hàng shipments tháng 1 – 2 – 3, và sẽ đẩy ra 1 lượng mua lớn trên sàn CBOT.

  • Dự đoán ngô tháng 12: Giá sẽ khá yếu trong thời gian tới và sẽ có khoảng giao dịch 363 – 380 trong ngắn hạn

 

Lúa mỳ đóng cửa giảm điểm khá nhiều trong phiên hôm qua, gần xóa sạch số điểm đã tăng đc trong phiên trước đó. Mặc dù USDA đưa ra tiến độ gieo trồng lúa mỳ vụ đông khá chậm, cùng với chất lượng bị giảm 3% trong báo cáo này, nhưng có vẻ tâm lý “buy the rumor – sell the fact” đã diễn ra. Thị trường đã dự đoán được số liệu này từ trước, và là nguyên nhân khiến giá tăng điểm mạnh trong ngày thứ ba. Sau đó, khi USDA ra báo cáo, lực bán xuất hiện nhiều hơn và khiến giá giảm điểm trở lại. Một lý do nữa khiến lúa mỳ giảm điểm, là giá lúa mỳ HRW xuất khẩu của Mỹ đang tiếp tục tăng cao hơn so với các loại lúa mỳ khác, hiện chỉ rẻ hơn lúa mỳ chất lượng cao của Úc. Vì thế, triển vọng xuất khẩu của lúa mỳ Mỹ trong thời gian tới là rất khó khăn, có thể sẽ được phản ánh vào các báo cáo Xuất khẩu trong thời gian tới.

Lúa mỳ vụ đông tại Mỹ đang có một số lo ngại, do tình trạng thiếu mưa làm trầm trọng thêm hạn hán ở vùng đồng bằng phía nam. Trong báo cáo Crop Progress tuần này, chất lượng lúa mỳ bị giảm mạnh nhất ở Oklahoma, giảm cả ở Texas, nên khung thời tiết khô ráo trong vài ngày tới có thể sẽ khiến chất lượng lúa mỳ ở các bang này tiếp tục giảm thêm trong đầu tuần sau. Hiện nay, chất lượng lúa mỳ vụ đông đang bằng với năm ngoái, nhưng nếu thời tiết chuyển biến xấu đi, chất lượng sẽ thấp hơn nhiều so với năm ngoái, có thể khiến USDA phải giảm năng suất mùa vụ trong các báo cáo tới.

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 12: Giá sẽ tiếp tục giữ khoảng 500 – 540 trong thời gian tới. Lúa mỳ có thể sẽ lên xuống thất thường với khoảng giao dịch trung bình.

 

TIN NGŨ CỐC 24 GIỜ QUA:

• Báo cáo Cung – cầu tháng 11 của CONAB:

- Sản lượng đậu tương Brazil trong niên vụ 2019/20 dự báo sẽ đạt 120.9 triệu tấn, cao hơn mức 120.4 triệu tấn trong dự đoán tháng 10, là mức cao nhất từ trước tới nay và tăng 5% so với sản lượng năm ngoái. Diện tích gieo trồng đậu tương được tăng dự báo thêm 100,000 héc-ta, lên mức 36.7 triệu héc-ta. Năng suất dự báo sẽ ở mức bình thường 3.3 tấn/héc-ta.

- Xuất khẩu đậu tương Brazil 2019/20 được CONAB giữ nguyên dự báo ở mức 72.0 triệu tấn, so với mức 70.0 triệu tấn năm ngoái.

- Tổng sản lượng ngô 2019/20 của Brazil được CONAB giữ nguyên dự báo ở mức 98.4 triệu tấn, giảm 2% so với sản lượng năm ngoái. Trong đó, sản lượng ngô vụ 2 dự báo sẽ đạt 71.0 triệu tấn, và phần còn lại 27.4 triệu tấn sẽ là ngô vụ 1.

- Xuất khẩu ngô Brazil 2019/20 được CONAB giữ nguyên dự báo ở mức 34.0 triệu tấn, so với 39.0 triệu tấn năm ngoái.

• Báo cáo của Hãng tư vấn AgroConsult:

- Sản lượng đậu tương 2019/20 của nước này dự báo ở mức 124.0 triệu tấn, tăng so với sản lượng 118.0 triệu tấn năm ngoái, do tăng diện tích gieo trồng và năng suất cũng cao hơn so với năm ngoái.

- Xuất khẩu đậu tương của Brazil sang Trung Quốc trong niên vụ 2019/20 dự báo sẽ đạt 53.0 triệu tấn, trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại. Còn nếu trong trường hợp chiến tranh thương mại tiếp diễn, xuất khẩu đậu tương của Brazil sang Trung Quốc có thể ở mức 57.0 triệu tấn.

• Báo cáo Bán hàng hàng ngày – Daily Export Sales:

- Bán 106,000 tấn đậu tương 2019/20 cho nước giấu tên.

• Theo Reuters: các doanh nghiệp của Trung Quốc đã mua khá nhiều đậu tương Mỹ trong tuần này, bất chấp việc 2 triệu tấn đậu tương Mỹ đang phải chờ ngoài cảng Trung Quốc do tình trạng tắc nghẽn trong thời gian gần đây. Một số nguồn tin thị trường cho biết tập đoàn Cofco và Sinograins đã mua tới 7 tàu đậu tương Mỹ trong tuần này, chủ yếu là shipments tháng 12 và tháng 1, do giá đậu tương Mỹ đang cạnh tranh hơn so với giá Nam Mỹ.

France Agri Mer tăng dự báo xuất khẩu lúa mỳ mềm của Pháp ra ngoài khối EU trong niên vụ 2019/20 lên mức 12.0 triệu tấn, so với mức 11.7 triệu tấn trong báo cáo tháng trước. Đây là mức tăng 24% so với niên vụ trước 2018/19 và cũng là mức tăng so với 11.0 triệu tấn trong báo cáo hồi tháng 9.

www.giaodich24.vn