Đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành đều đóng cửa tăng điểm nhẹ trong phiên hôm qua, và đều ít bị tác động bởi các số liệu trong báo cáo WASDE tháng 12 của USDA. Đến sáng nay, đậu tương và khô đậu đều có gapdown và giảm nhẹ trong phiên sáng. Đậu tương đang giằng co ở mức tâm lý 900, sẽ là vùng giá rất nhạy cảm, có thể quyết định xu hướng giá trong thời gian tới. Nếu vượt 900, đậu tương có thể tăng nhanh lên khoảng 900 – 920 và kéo khô đậu tăng trở lại sau chuỗi giảm liên tiếp vừa qua. Ngược lại, nếu đậu tương bị đẩy xuống từ mức 900, khoảng giao dịch sẽ bị kéo xuống mức 880 – 900, và khi đó khô đậu sẽ rất khó vượt được kháng cự 300 trong ngắn hạn.

Trong báo cáo tháng 12 này, USDA hoàn toàn giữ nguyên các số liệu cung – cầu mùa vụ Mỹ 2019/20, khiến tồn kho cuối vụ không thay đổi so với tháng trước. Sản lượng đậu tương Brazil và Argentina cũng không thay đổi so với tháng 11. Kết quả này cũng phù hợp với dự đoán mà Reuters đã đưa ra trước đó, nên thị trường hầu như không có biến động nhiều sau báo cáo. Rung lắc vẫn diễn ra nhưng không kéo dài và khoảng giao dịch cũng ở mức hẹp so với các báo cáo WASDE khác.

Về mùa vụ thế giới, do sản lượng đậu tương Trung Quốc được tăng dự đoán theo đúng số liệu mà Bộ nông nghiệp nước này đưa ra trước đó, nên tồn kho cuối vụ đậu tương thế giới tăng so với tháng 11, trái ngược với các dự đoán của Reuters. Nhưng ở chiều ngược lại, trong tối qua Bộ nông nghiệp Trung Quốc đã tăng dự báo nhập khẩu đậu tương của nước này thêm 1.5 triệu tấn, là thông tin “bullish” đối trọng lại và khiến tồn kho thế giới không còn là số liệu “bearish” đối với thị trường.

Hiện nay, toàn bộ sự chú ý vẫn đang tập trung vào các thông tin liên quan đến Mỹ - Trung, khi mà thời điểm áp thuế do Tổng thống D.Trump đặt ra đã gần kề. Việc Mỹ có đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 tới hay không sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường hàng hóa, trong đó đậu tương sẽ là mặt hàng chịu nhiều tác động nhất. Có nhiều nguồn tin cho rằng Trung Quốc đang rất tích cực mua đậu tương Mỹ trong ngắn hạn. Nếu Mỹ đánh thuế, đương nhiên hoạt động này sẽ ngừng lại bởi Trung Quốc sẽ rút lại các hạn ngạch đã cấp trước đó. Ngược lại, nếu Mỹ không đánh thuế Trung Quốc, hạn ngạch sẽ được tăng lên và các buyers Trung Quốc sẽ mua nhiều đậu tương Mỹ hơn nữa, do giá đậu tương Brazil đang kém cạnh tranh hơn.

  • Dự đoán đậu tương tháng 1: giá có thể diễn biến tăng nhưng trong khoảng hẹp; vùng giá 897 đến 902.
  • Dự đoán khô đậu tháng 1: Giá hiện đang down về vùng giá hỗ trợ tốt 296.5, xu hướng có khả năng tăng nhẹ và tiệm vận về vùng giá 300.
  • Dự đoán dầu đậu tương tháng 1: có thể tiếp tục tăng trở lại vùng giá kháng cự 31.75 – 31.80, tuy nhiên trước khi tăng Giaodich24 cho rằng giá sẽ có những điều chỉnh nhất định về dùng giá hỗ trợ 31.5 do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ.

 

Ngô đóng cửa tăng điểm nhẹ trong phiên hôm qua và giảm nhẹ trở lại trong sáng nay. Khoảng giao dịch của ngô vẫn rất hẹp, khi giá hầu như không bị tác động sau báo cáo WASDE tháng 12 của USDA. Trong báo cáo tháng này, USDA giữ nguyên toàn bộ các số liệu cung – cầu ngô Mỹ, khiến tồn kho cuối vụ ngô giữ nguyên ở mức 1.910 tỉ giạ, là năm giảm tồn kho thứ 3 liên tiếp của Mỹ. Đây là điều khá bất ngờ, bởi trước đó, có nhiều hãng tin lớn dự đoán USDA sẽ phải giảm dự báo xuất khẩu do tiến độ bán hàng và giao hàng từ đầu niên vụ đang rất chậm và sẽ rất khó đạt được kế hoạch xuất khẩu hiện nay. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng ngô cho ethanol dự báo sẽ tăng lên sau gói trợ cấp mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố.

Đối với các số liệu thế giới, sản lượng ngô của Brazil và Argentina đều không có gì thay đổi so với tháng trước. Sản lượng ngô Trung Quốc là số liệu quan trọng duy nhất thay đổi trong báo cáo này, được tăng mạnh từ 254.0 lên 260.77 triệu tấn. Chính sự thay đổi này đã khiến tồn kho cuối vụ thế giới tăng so với báo cáo tháng 11, trái ngược hoàn toàn so với các dự đoán trước đó. Tuy nhiên, chính vì sự thay đổi đến từ Trung Quốc nên thị trường cũng không có phản ứng nhiều sau báo cáo này, bởi các số liệu liên quan đến Trung Quốc đều ít minh bạch hơn so với những nơi khác. USDA có thể tăng sản lượng trong báo cáo này, nhưng thực tế sản lượng có thể không nhiều như các ước tính trước đó.

Hiện nay, đang có khá nhiều lo ngại đối với các mùa vụ ngô đang diễn ra ở Argentina và Brazil. Các vùng trồng nhiều ngô ở 2 nước này đều đang ở trong giai đoạn thiếu mưa và khung thời tiết này sẽ còn kéo dài trong 1 – 2 tuần tới. Điều này có thể khiến chất lượng mùa vụ bị giảm đi và năng suất không được tốt như các kỳ vọng ban đầu. Ngoài ra, Nam Phi cũng đang có những lo ngại rất lớn và có thể làm giảm mạnh sản lượng ngô của quốc gia này.

  • Dự đoán ngô tháng 3: Giá có thể sẽ tiếp tục giao dịch với diễn biến lình xình và khoảng giao dịch hẹp theo xu hướng xuống nhiều hơn trong vài phiên tới. Thị trường có ít thông tin cơ bản, nên giá sẽ khó có biến động mạnh trong ngắn hạn.

 

Lúa mỳ đóng cửa tăng nhẹ trong ngày hôm qua và đang giảm nhẹ sau khi mở cửa phiên sáng nay. Rõ ràng, lúa mỳ là mặt hàng đáng lẽ phải biến động nhiều nhất sau báo cáo WASDE đêm qua của USDA. Nhưng giá biến động rất nhẹ sau báo cáo, do các thông tin “bullish” và “bearish” mạnh trái chiều nhau, và triệt tiêu lẫn nhau. Trong các mặt hàng ngũ cốc, USDA chỉ thay đổi các số liệu cung cầu của lúa mỳ Mỹ trong báo cáo tháng 12 này. Theo đó, xuất khẩu lúa mỳ 19/20 được tăng dự báo thêm 25 triệu giạ, nhập khẩu giảm dự báo đi 15 triệu giạ, khiến tồn kho cuối vụ giảm 40 triệu giạ so với báo cáo tháng 11, xuống mức 974 triệu giạ. Mức tồn kho này thấp hơn tất cả các dự đoán trước đó của Reuters, và là thông tin “bullish” khiến lúa mỳ tăng điểm ngay sau thời điểm USDA phát hành báo cáo.

Tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực bán của lúa mỳ càng mạnh hơn do tồn kho thế giới tăng lên trong báo cáo này, trái ngược với các dự đoán giảm tồn kho trước đó. Sản lượng lúa mỳ Argentina bị giảm dự báo đi 1.0 triệu tấn, sản lượng lúa mỳ Úc giảm đi 1.1 triệu tấn. Ngược lại, sản lượng lúa mỳ Nga và EU đều tăng thêm 500,000 tấn trong báo cáo này.

Hiện nay, vùng đồng bằng phía nam của Mỹ vẫn đang ở trong tình trạng khô hạn đáng báo động. Dự báo thời tiết cho 1 – 2 tuần tới không thấy có mưa nhiều và tuyết rơi, sẽ khiến chất lượng lúa mỳ vụ đông ngày càng giảm đi trong thời gian tới. Đây sẽ là mối lo ngại chính của thị trường và sẽ là yếu tố “bullish”, giữ cho giá lúa mỳ ở vùng cao hơn 500 trong thời gian tới.

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 3: Giá có thể sẽ giao dịch lình xình với khoảng hẹp trong thời gian tới. Giaodich24 thiên về khả năng tăng điểm tại vùng giá 518 - 519 nhiều hơn.

 

TIN NGŨ CỐC 24 GIỜ QUA

Báo cáo Cung – cầu tháng 12 của USDA:

- Mời xem chi tiết trong file đính kèm.

• Báo cáo Cung – cầu Brazil tháng 12 của CONAB:

- Sản lượng đậu tương Brazil trong niên vụ 2019/20 sẽ đạt 121.1 triệu tấn, cao hơn mức 120.9 triệu tấn trong dự đoán tháng 11, là mức cao nhất từ trước tới nay và tăng 5% so với sản lượng năm ngoái.

- Sản lượng ngô giữ nguyên dự báo ở mức 98.4 triệu tấn, giảm 2% so với sản lượng năm ngoái. Trong đó, sản lượng ngô vụ 2 dự báo sẽ đạt 71.0 triệu tấn, và phần còn lại 27.4 triệu tấn sẽ là ngô vụ 1.

• Báo cáo của Bộ nông nghiệp Trung Quốc:

- Nhập khẩu đậu tương của nước này trong niên vụ 2019/20 sẽ đạt 87.7 triệu tấn, tăng so với mức 86.2 triệu tấn trong dự đoán trước, và cao hơn nhiều so với mức 82.75 triệu tấn đã nhập khẩu trong niên vụ trước.

- Nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong niên vụ 2019/20 được giữ nguyên dự đoán ở mức 3.0 triệu tấn, bằng với niên vụ trước. Nhu cầu sử dụng ngô của Trung Quốc ước tính ở mức 280.8 triệu tấn, so với 274.78 triệu tấn năm ngoái.

• Báo cáo của Bộ nông nghiệp Pháp:

- Diện tích gieo trồng lúa mỳ mềm của nước này trong niên vụ 2020/21 sẽ đạt 4.72 triệu héc-ta, giảm 4.8% so với niên vụ trước và giảm 5.6% so với trung bình 4 năm gần đây. Nếu đúng dự đoán, đây sẽ là năm có diện tích gieo trồng lúa mỳ mềm ở mức thấp nhất kể từ năm 2003 tới nay.

- Diện tích gieo trồng lúa mỳ durum 2020/21 dự báo ở mức 225,000 héc-ta, giảm 7.5% so với năm ngoái và giảm 31.7% so với trung bình 4 năm qua.

• Theo hãng tin Bloomberg, các tài xế xe tải tại Brazil đang lên kế hoạch đình công vào ngày 16/12/2019, sau khi giá dầu tại Brazil tăng mạnh lên mức cao nhất từ tháng 5 năm 2018. Vào giai đoạn đó, các tài xế xe tải đã tổ chức đình công trong vòng 11 ngày, khiến các hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Brazil gần như tê liệt trong khoảng thời gian dài.

• Chính phủ Indonesia cho biết nước này sẽ áp dụng hàm lượng pha trộn trong xăng sinh học – biodiesel ở mức 40% (B40) trong năm 2021 và 2022. Kể từ tháng 1 năm nay, Indonesia đã áp dụng tỉ lệ pha trộn ở mức 30% (B30). Chính điều này đã khiến giá dầu cọ tăng mạnh. Bởi thị trường lo ngại Indonesia sẽ sử dụng nhiều dầu cọ trong sản xuất dầu sinh học hơn, và sẽ giảm lượng xuất khẩu trong các năm tới.

Giaodich24