Đậu tương và khô đậu đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua, trong khi dầu đậu nành đóng cửa giảm điểm theo giá dầu cọ. Chính vì giá dầu đậu nành đang trong giai đoạn giảm điều chỉnh, nên giá khô đậu trên sàn CBOT có thể sẽ mạnh hơn trong thời gian tới và sẽ duy trì ở trên mức 300 từ giờ đến trước các báo cáo ngày 10/01 của USDA.

Ngày hôm qua, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin Phó thủ tướng Lưu Hạc sẽ đến Mỹ vào ngày 13/01 để ký thỏa thuận thương mại, đã dập tắt các tin đồn trước đó về việc Trung Quốc đứng về phía Iran và không ký thỏa thuận với Mỹ. Thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ mua thêm đậu tương Mỹ, dù khối lượng có thể sẽ không quá lớn như các cam kết trước đó của nước này. Trên thực tế, các cam kết mua hàng của Trung Quốc trong 1 năm qua chủ yếu là hủy hợp đồng vụ cũ và mua lại hợp đồng vụ mới, nên mức độ mua ròng (net sales) không thực sự lớn. Nhiều đồn đoán cho rằng Trung Quốc sẽ mua ít nhất 2 triệu tấn, và có thể lên tới 5 triệu tấn đậu tương Mỹ ngay sau khi ký vào thỏa thuận.

Reuters đã đưa ra các dự đoán trước báo cáo WASDE và Grains Stocks sắp tới của USDA. Theo đó, USDA nhiều khả năng sẽ điều chỉnh giảm các số liệu năng suất và sản lượng mùa vụ Mỹ so với báo cáo trước. Qua đó, tồn kho cuối vụ đậu tương Mỹ 2019/20 dự báo sẽ bị giảm xuống 424 triệu giạ, so với mức 475 trong báo cáo tháng 12. Tồn kho đậu tương thế giới cũng sẽ bị giảm theo bởi Mỹ và nước có sản lượng số 1 thế giới, nhưng các mức sản lượng của Brazil và Argentina có thể sẽ không thay đổi trong báo cáo này.

Tại Argentina, thông tin đáng chú ý trong ngày hôm qua là việc Ngân hàng Banco Nacion đã yêu cầu Vicentin phải bán tài sản để trả nợ, trước khi cơ cấu khoản nợ khổng lồ của tập đoàn này. Điều này sẽ khiến Vicentin tiếp tục phải bán cổ phần ở các nhà máy ép dầu lớn, có thể sẽ là thông tin khiến giá basis khô đậu và dầu đậu nành tại Argentina duy trì ở mức cao trong thời gian tới.

Về mùa vụ, các vùng sản xuất đậu tương lớn tại cả Brazil và Argentina đều sẽ có mưa to trên diện rộng trong vài ngày tới, được đánh giá là thời tiết thuận lợi cho giai đoạn trước thu hoạch. Bang Mato Grosso của Brazil đã bắt đầu thu hoạch đậu tương tại các vùng gieo trồng sớm và ở những nơi trồng giống đậu tương 90 – 95 ngày. Giai đoạn thu hoạch chính của Brazil sẽ diễn ra từ giữa tháng 1 và đạt đỉnh vào giữa tháng 2 hàng năm.

  • Dự đoán đậu tương tháng 3: Mức giá 940 đang là vùng giá hỗ trợ tốt theo xu hướng tăng trong trung hạn. Giao dịch 24 cho rằng thị trường nhiều khả năng tiếp tục thăm dò lại vùng hỗ trợ này và tăng trở lại giữ vị thế ở vùng giá 945 - 947 đợi các thông tin báo cáo WASDE tháng 1: Chiến lược mua ở 941.5, cắt lỗi tại 938, chốt lãi ở vùng giá 946-947.
  • Dự đoán khô đậu và dầu đậu tháng 3:

Mức giá 300 vẫn đang đóng vai trò vùng hỗ trợ mạnh cho xu hướng tăng trung hạn, bối cảnh dầu đậu có xu hướng điều chỉnh sẽ phần nào hỗ trợ tương đối cho diễn biến tăng nhẹ của khô đậu.

  • Chiến lược khô đậu tháng 3: Buy ở 302, cắt lỗ ở 299.5 và chốt lãi ở 305 – 306.
  • Chiến lược dầu đậu tháng 3: Sell ở 34.88, cắt lỗ ở 35.15 và chốt lãi ở 34.45.

Ngô giảm điểm trong phiên hôm qua nhưng vẫn ở trên mức hỗ trợ 381 và xu hướng của ngô thực tế vẫn chỉ là đi ngang với các khoảng giao dịch hẹp. Vì thế, sẽ không có gì bất ngờ nếu giá tăng nhẹ trở lại trong vài phiên tới và vẫn ở trong giai đoạn giao dịch lình xình để chờ đợi các báo cáo quan trọng trong ngày 10/01 sắp tới.

Reuters dự đoán USDA sẽ giảm các mức năng suất và sản lượng ngô Mỹ trong báo cáo Crop Production sắp tới, qua đó khiến tồn kho cuối vụ ngô Mỹ bị giảm 153 triệu giạ so với báo cáo tháng 12. Tồn kho cuối vụ thế giới cũng dự đoán sẽ bị giảm so với báo cáo tháng 12, có thể do mức giảm sản lượng đối với ngô Brazil, ngô Nam Phi, và có thể cả ngô ở khu vực biển Đen. Đây có thể coi là thông tin “bullish” và có thể khiến giá tăng nhẹ trước báo cáo.

Thời tiết các vùng trồng ngô tại Nam Mỹ có chuyển biến tốt hơn trong vài ngày tới, với những cơn mưa lớn ở phía nam Brazil và trung tâm Argentina. Nếu thời tiết tốt kéo dài trong 1 – 2 tuần, chất lượng mùa vụ có thể sẽ tốt hơn và các lo lắng về tình trạng hạn hán trước đó sẽ không còn. Nhưng nếu mưa chỉ diễn ra trong vài ngày, sau đó thời tiết khô ráo trở lại, thì những lo lắng sẽ vẫn xuất hiện và sản lượng ngô Brazil cũng như Argentina có thể sẽ bị giảm dự báo trong thời gian tới.

  • Dự đoán ngô tháng 3: Giá có thể sẽ đóng cửa tăng nhẹ trong ngày hôm nay. Giá sẽ tiếp tục đi ngang với khoảng hẹp và ở trên mức hỗ trợ 381.

Lúa mỳ đóng cửa giảm điểm trong ngày hôm qua, chủ yếu do gapdown khi mở cửa đầu tuần. Đến sáng nay, giá đang tiếp tục giảm nhẹ, tạo ra trạng thái “bearish” trong ngắn hạn đối với giá lúa mỳ trên cả 3 sàn giao dịch tại Mỹ. Không có thông tin cơ bản nào quá đặc biệt trong vài ngày qua, nên đây có thể chỉ là hiện tượng chốt lời của giới đầu cơ sau khi lúa mỳ tăng lên mức cao nhất nửa năm. Giá hợp đồng tháng 3 trên sàn Chicago đang giằng co ở vùng tâm lý quan trọng 550, có thể sẽ là vùng giá quyết định xu hướng của lúa mỳ từ giờ tới trước báo cáo. Nếu bật lên, giá sẽ giao dịch với khoảng 550 – 570. Nếu giảm xuống, khoảng giao dịch có thể hẹp lại, chỉ là 538 – 550.

Reuters dự đoán USDA sẽ giảm nhẹ tồn kho cuối vụ lúa mỳ Mỹ trong báo cáo WASDE sắp tới, nhưng mức giảm chỉ 5 triệu giạ sẽ không phải thông tin “bullish” mạnh đối với thị trường. Tồn kho lúa mỳ thế giới dự báo sẽ bị giảm từ 289.50 xuống 287.32 triệu tấn, có thể là các mức giảm mạnh sản lượng ở Úc và Argentina, bên cạnh đó có thể là lúa mỳ Nga và Ukraina cũng sẽ bị giảm nhẹ. Đây mới thực sự là số liệu “bullish” và có thể sẽ giúp lúa mỳ ở trên 550 trong vài ngày tới.

Dự báo thời tiết mới nhất cho thấy vùng đồng bằng phía nam Hoa Kỳ sẽ có mưa và tuyết nhiều hơn kể từ cuối tuần này, giúp giảm lo ngại về tình trạng hạn hán nghiêm trọng trước đó. Chất lượng lúa mỳ ở toàn bộ các vùng sản xuất lớn tại Mỹ đều đã bị giảm mạnh so với hồi cuối tháng 11.

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 3: Giá có xác suất điều chỉnh nhẹ, và hình thành diễn biến đi ngang trong biên độ hẹp ngày hôm nay; phạm vi giá 555-547.  

TIN NGŨ CỐC 24 GIỜ QUA

• Hải quan Argentina báo cáo xuất khẩu dầu đậu nành sang Ấn Độ trong tháng 11 (hàng đến vào tháng 12) đạt 129,000 tấn, là mức xuất khẩu theo tháng thấp thứ 2 trong năm 2019, chỉ cao hơn tháng 4. Trong 11 tháng đầu năm 2019, Argentina đã xuất khẩu 2.55 triệu tấn dầu đậu nành dang Ấn Độ, chiếm 47% tổng xuất khẩu của Argentina. Đây là mức tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

• Tờ South China Morning Post của Trung Quốc đưa tin phái đoàn đàm phán của Trung Quốc sẽ đến Washington vào ngày 13/1 để ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc, do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, ban đầu dự định đến Mỹ vào đầu tháng này song phải thay đổi lịch trình sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi một dòng tweet, tuyên bố ông sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Bắc Kinh vào ngày 15/1 tại Nhà Trắng. Theo dự kiến, phái đoàn Trung Quốc sẽ về nước vào hôm 16/1. Washington và Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

• Theo nguồn tin từ Bloomberg và tờ thời báo Buenos Aires, ngân hàng Banco Nacion yêu cầu tập đoàn Vicentin phải tăng lượng tiền mặt trước khi tiềm kiếm các phương thức cắt giảm khoản nợ khổng lồ của mình. Vào ngày 05/12/2019, Vicentin tuyên bố khó khăn và đang phải vật lộn tìm cách chi trả cho các nhà cung cấp. Điều này khiến giá dầu đậu nành và khô đậu, đặc biệt là giá basis tại Argentina tăng mạnh kể từ đó tới nay. Một tuần sau đó, Vicentin thông báo khoản nợ 350 triệu USD và cần phải cơ cấu lại các khoảng nợ này, đồng thời kêu gọi các chủ nợ linh động hơn. Tuy nhiên, động thái mới nhất của ngân hàng Banco Nacion – vốn là chủ nợ lớn nhất của Vicentin, cho thấy tập đoàn này sẽ phải tiếp tục bán thêm các tài sản để tăng tiền mặt theo yêu cầu của ngân hàng. Theo giới phân tích, Vicentin sẽ phải bán thêm cổ phần ở Renova, là nhà máy ép dầu lớn nhất tại Argentina. Trước đó, trong tháng 12, Vicentin đã phải bán 16.7% cổ phần ở Renova cho tập đoàn Glencore, để giảm tỉ lệ sở hữu xuống 33.3%; trong khi Glencore đang nắm giữ 66.7% cổ phần của công ty.

Giaodich24