NÔNG SẢN

Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sở CBOT chủ yếu đều duy trì xu hướng đi ngang.

Giá đậu tương trải qua 1 tuần với mức tăng không đáng kể. Việc kéo dài tuyến đường sắt Ferronorte, tuyến đường sắt duy nhất ở Mato Grosso, đã nhận được sự đồng ý của thống đốc bang và sẽ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển ở Brazil. Điều này có thể sẽ khiến đậu tương của Brazil càng trở nên cạnh tranh hơn so với đậu tương của Mỹ trong những năm sắp tới.

Dầu đậu tương là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất thị trường chủ yếu nhờ đà tăng của giá dầu thô. Ở Trung Quốc, các nhà máy ép dầu đang phải dừng hoạt động gây ra thiếu nguồn cung ngắn hạn, đặc biệt là trước kì nghỉ lễ quốc khánh kéo dài trong 1 tuần vào ngày 01/10 là yếu tố đối trọng lại với tác động trái chiều với giá dầu đậu tương.

Giá ngô kỳ hạn tháng 12 đóng cửa chỉ thấp hơn 0.5 cents so với mức tham chiếu. Thời tiết khô ở khu vực Midwest trong suốt thời gian vừa rồi vẫn đang hỗ trợ cho việc thu hoạch ngô là yếu tố “bearish" nhưng mức tăng mạnh của giá dầu thô trong tuần vừa rồi, đã hỗ trợ tích cực cho giá ethanol giúp cho giá ngô vẫn giữ được diễn biến đi ngang.

Giá lúa mì tiếp tục có tuần tăng thứ 2 liên tiếp với mức tăng 2.12%. Một loạt các quốc gia nhập khẩu chính đã tiếp nối Ai Cập và mua hàng thông qua các cuộc đấu thầu quốc tế trong tuần vừa rồi đã hỗ trợ cho giá mặt hàng này.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP

Thị trường cà phê kết thúc tuần với diễn biến trái chiều. Giá Robusta giảm nhẹ 0.15% còn 2148 USD/tấn, trái lại, giá Arabica tăng 4.3% lên 194.3 cents/pound. Nếu như trong giai đoạn hai tuần đầu tháng 9, điểm sáng của thị trường luôn thuộc về giá cà phê Robusta, thì trong tuần vừa qua, báo cáo của Cơ quan Cung ứng Lương thực Brazil đã giúp cho giá Arabica khẳng định lại vị thế của mình. Dòng tiền luân chuyển giữa hai thị trường cà phê nay đã tập trung lại rót về thị trường Arabica do những lo ngại nguồn cung eo hẹp ở Brazil.

Giá Robusta đóng cửa tuần với sắc đỏ nhưng thực chất giá giằng co trong biên độ 2130 – 2180 trong cả 5 phiên của tuần trước. Giá có xu hướng tích lũy sau một đà tăng là điều hoàn toàn cần thiết để đà tăng được bền vững hơn. Hiện, các nhà đầu tư đều đang rất trông đợi thị trường Robusta sẽ có sự bứt phá. Nếu giá vượt khỏi khoảng giao dịch này, dù tăng hay giảm, thị trường cũng sẽ đều phản ứng rất mạnh.

Hầu hết các mặt hàng công nghiệp đều không duy trì được đà tăng, trong đó có thể kể đến như hai mặt hàng đường. Hợp đồng đường trắng giảm 0.1% còn 504 USD/tấn, giá đường 11 cũng giảm 0.4% còn 421 USD/tấn.

KIM LOẠI

Sắc xanh đã quay trở lại thị trường kim loại trong tuần vừa qua. Giá bạc tăng nhẹ 0.4% lên 22.43 USD/ounce, giá bạch kim bứt phá mạnh mẽ 5.34% lên 979.9 USD/ounce. Các tin tức về cuộc họp của FED là yếu tố chính khiến cho thị trường kim loại biến động mạnh trong tuần vừa qua. Dù chưa thay đổi bất kì chính sách tiền tệ nào, nhưng FED đã mở ra khả năng thắt chặt từ cuộc họp tháng 11 sắp tới, và tăng lãi suất trong năm sau. Triển vọng dài hạn của cả hai mặt hàng kim loại quý chịu rất nhiều sức ép, tuy nhiên, việc nước Mỹ có thể đối mặt với mức lạm phát lớn khi thị trường mở cửa trở lại đã hỗ trợ giá của hai mặt hàng kim loại quý trong ngắn hạn. Tuy nhiên, mức tăng trong tuần vừa qua của bạc và bạch kim chỉ là sự hồi phục từ mức đáy trong nhiều tháng nhờ vào lực mua kỹ thuật, và giá của hai mặt hàng khó có thể tăng lại lên mức đỉnh cũ trong năm nay.

Ở thị trường kim loại cơ bản, diễn biến cũng không có sự phân hóa nhiều đối với hai mặt hàng kim loại quý. Giá đồng tăng gần 1% lên 4.29 USD/pound, giá quặng sắt bật tăng mạnh mẽ hơn 9% lên 111 USD/tấn. Thị trường kim loại cơ bản là một trong những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất bới những tin tức xoay quanh cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande. Đáng chú ý, giá quặng sắt đã từng để mất mốc 100 USD, giá đồng cũng từng giảm lại về 4 USD/pound. Sau đó, nhờ lực bắt đáy mà cả hai mặt hàng này đều hồi phục tốt trở lại. So với giá quặng sắt vốn đang bị Chính phủ Trung Quốc kiểm soát gắt gao hơn, giá đồng có nhiều cơ hội tăng giá hơn bởi các nước phát triển như Mỹ và khu vực Châu Âu vẫn đang trong cuộc đua về năng lượng tái tạo.

NĂNG LƯỢNG

Tuần vừa rồi, giá dầu thô đồng loạt tăng nhờ nguồn cung suy yếu và nhu cầu tiếp tục tăng. Cụ thể, giá WTI tăng 3.01% lên 73.98 USD/thùng, tăng 5 tuần liên tiếp trong khi giá Brent tăng 3.58% lên 77.23 USD/thùng, tăng 3 tuần liên tiếp.

Giá được hỗ trợ nhờ nguồn cung suy yếu tại Mỹ do tác động lâu dài từ bão Ida và Nicholas kể từ cuối tháng 8. Thị trường đang định giá dầu theo triển vọng nguồn cung tiếp tục suy yếu và gián đoạn, khiến cho tồn kho rơi xuống mức thấp. Các chuyên gia cảnh báo tồn kho của Mỹ và thế giới có thể giảm mạnh trong thời gian tới. Ít nhất 300,000 thùng dầu/ngày sẽ chịu thiệt hại trong các tháng cuối năm khi giàn khoan West Delta-143 của tập đoàn dầu khí Shell Plc chưa khôi phục hoạt động. Nguồn cung từ phía OPEC+ cũng khó có thể bù đắp, khi các thành viên, tiêu biểu là Angola và Nigeria gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất theo hạn ngạch. Trong khi đó, hầu như các cơ hội cho Iran quay trở lại thị trường quốc tế trong cuối năm đã biến mất.

Giá khí tự nhiên tăng 0.69% lên 5.14 USD/thùng theo đà tại thị trường châu Âu. Tính từ đầu năm đến giờ, giá đã tăng gấp đôi.

 

 

Nguồn: Vinanet/VITIC/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)