Kết thúc tuần giao dịch 10/05 – 16/05, giá đậu tương có sự thay đổi không đáng kể khi chỉ giảm rất nhẹ 0.22%, về mức 1586.25 cent/giạ. Mặc dù đã bất ngờ tăng vọt lên sát vùng giá 1670 ngay trước thềm báo cáo Cung – cầu tháng 5 của USDA, tuy nhiên, các số liệu không thấp như dự đoán của thị trường về tồn kho niên vụ tới đã khiến giá giảm mạnh trở lại ngay sau khi được phát hành.

Sang đến tuần này, giá hiện vẫn đang giằng co quanh mức tham chiếu, khi thị trường không có thêm thông tin cơ bản nào mới. Hiện tại, mùa vụ đậu tương gần như đã kết thúc ở các nước Nam Mỹ, vì thế trong tâm cần chú ý bây giờ sẽ chỉ là diễn biến thời tiết tại Mỹ. Theo dự báo của NOAA, sẽ có mưa với lượng trung bình ở hầu khắp các bang trung tâm Midwest, giảm bớt lo ngại về thời tiết khô hạn trước đó trong quá trình gieo trồng, và gây sức ép đáng kể lên giá đậu tương thời gian tới.

Về mặt kỹ thuật, đường MACD đang chuẩn bị cắt xuống dưới đường Signal và ở trên mức 0. Đồ thị nến sau khi chạm vào cạnh trên của dải Bollinger cũng đang có xu hướng điều chỉnh về đường SMA20, nhiều khả năng giá sẽ hướng về vùng giá 1550.

Xu hướng tăng của nhóm dầu thực vật là yếu tố hỗ trợ lớn cho giá đậu tương trong thời gian vừa rồi, thông qua mức tăng mạnh của dầu đậu tương. Tuy nhiên, thị trường sẽ chờ đợi các số liệu trong báo cáo ép dầu tối nay của NOPA để đánh giá lại về nguồn cung hiện tại. Nếu tồn kho dầu đậu tương tháng 4 tăng lên mức 1.785 tỉ pound như dự đoán của giới quan sát, nhiều khả năng đà tăng mạnh của dầu đậu tương sẽ sớm có điều chỉnh, qua đó góp phần tác động bearish đến giá đậu tương nhưng sẽ lại hỗ trợ cho giá khô đậu tương.

Về mặt kỹ thuật, xác suất giảm của dầu đậu tương đang khá cao khi RSI ở vùng quá mua và xuất hiện phân kỳ âm. Vì thế MXV News dự đoán giá có thể điều chỉnh về mốc 66.0 cents trong tuần này. Qua đó hỗ trợ giá khô đậu tương có thể chuyển lên vùng giá 420 – 430.

Ngô đóng cửa tuần trước với mức giảm đột biến hơn 12%, về mức 643.75 cent/giạ. Thị trường ngô đã chứng kiến những phiên biến động mạnh trong tuần trước phần lớn do sự ảnh hưởng từ báo cáo Cung - cầu nông sản thế giới tháng 5 do  bộ Nông nghiệp Mỹ phát hành. Chỉ 2 phiên giao dịch sau báo cáo đã thổi bay mức tăng của hơn 2 tuần trước đó. Mức giảm sâu trong tuần vừa qua cũng đã kết thúc chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp của giá ngô và là dấu hiệu cho đợt điều chỉnh sau thời gian dài tăng nóng.

Khi giá bất ngờ giảm sâu, một trong những điều mà thị trường quan tâm nhất là đợt giảm giá đó là sự điều chỉnh trong ngắn hạn hay mang tính đảo chiều xu hướng trong dài hạn. Nếu là sự đảo chiều xu hướng dài hạn, việc mua vào các vị thế là hết sức nguy hiểm. Với những thông tin cơ bản hiện nay, lực bán của ngô chủ yếu đến từ động thái chốt lời kéo theo tâm lý hoảng loạn của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh các thông tin hỗ trợ về tồn kho Mỹ và hạn hán ở Brazil đã lần lượt xuất hiện, sự biến động của thị trường ngô sau một vài phiên đi ngang và trước báo cáo Cung - cầu chính là thời điểm hợp lý để giới đầu cơ chốt lời khiến giá ngô điều chỉnh. Đợt tăng của ngô đến từ việc nguồn cung ngô bị thắt chắt do mức tồn kho ở Mỹ giảm mạnh, đi cùng với nhu cầu thế giới tăng lên. Báo cáo của USDA cho thấy mức tồn kho cao hơn trung bình kì vọng của thị trường nhưng vẫn chưa thể khẳng định được mức tồn kho này sẽ đảm bảo được cho nhu cầu nhập khẩu ngô khổng lồ từ Trung Quốc và các nước châu Á. Do đó để đảo chiều xu hướng tăng trung và dài hạn, yếu tố tâm lý thôi là chưa đủ.

Dự báo thời tiết cho thấy mưa sẽ xuất hiện ở vùng Trung Tây - khu vực sản xuất ngô lớn nhất của Mỹ, giúp cải thiện chất lượng gieo trồng. Đây sẽ là yếu tố khiến đà giảm của ngô sẽ càng được củng cố.

Lúa mỳ kết thúc tuần trước với mức giảm lên đến hơn 7%, chủ yếu do sức ép từ mức giảm rất mạnh của giá ngô, về đóng của ở mức 707.25 cent/giạ. Tuy nhiên thời tiết thuận lợi ở khắp các vùng gieo trồng chính trong tuần này đang khiến giá lúa mỳ tiếp tục giảm rất mạnh khi thị trường mở cửa trở lại trong phiên sáng nay.

Về cơ bản, báo cáo Cung – cầu tháng 5 không có ảnh hưởng quá lớn đến giá lúa mỳ, khi các thông tin tác động triệt tiêu lẫn nhau. Vì thế, việc giá lúa mỳ có khả năng sẽ còn giảm mạnh trong tuần này cũng không có gì bất ngờ. Yếu tố hỗ trợ lớn nhất đến giá lúa mỳ ở thời điểm hiện tại chỉ là việc đồng Dollar tiếp tục duy trì ở vùng giá thấp nhất từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên về dài hạn, mức giảm của giá lúa mỳ có thể sẽ không quá mạnh như ngô, vì thời tiết hạn hán ở North Dakota, Canada và Úc mới chỉ được phục hồi nhẹ chứ chưa thể cải thiện trong thời gian ngắn. Mặc dù vậy, xác suất để giá lúa mỳ có thể vượt lại mức kháng cự 700 sẽ là không cao.

Nguồn: mxvnews.com