Bất chấp bất đồng trong cuộc họp của OPEC+ ngày hôm qua, giá dầu tăng mạnh khi 2 thành viên chủ chốt Saudi Arabia và Nga đưa ra mức tăng khiêm tốn trong thời gian tới. Kết thúc phiên giao dịch, dầu WTI tăng 2.4% lên 75.23 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.63% lên 75.84 USD/thùng.

Theo UAE và Kazakhstan, hạn ngạch cấp cho các nước này là thiếu công bằng, do đó họ yêu cầu được tăng sản lượng. 2 nước này cũng không đồng ý việc kéo dài cắt giảm sản lượng sau tháng 4/2022, do thời gian qua họ đã đầu tư để gia tăng sản lượng dầu. Việc hạn chế sản lượng xuất khẩu sẽ khiến cho thu nhập các nước này bị ảnh hưởng nặng nề.

Nếu xét về sản lượng dầu thô thì UAE năm 2020 đứng thứ 3 trong nhóm, ở mức 2.8 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, khác với nước đứng đầu là Saudi với 60% kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào dầu thô, con số này ở UAE là trên 20%, do đó nước này ưu tiên tăng sản lượng để tối đa thu nhập khi giá cao. UAE gần đây cũng đã tăng mạnh các dự án khí tự nhiên, do đó không chịu ảnh hưởng quá nhiều trong trường hợp giá dầu giảm. Đặc biệt khi tháng 3/2021, UAE đã ra mặt hợp đồng tương lai giao dịch tại sàn ICE, trở thành hợp đồng giao hàng thực thứ 2 trên sàn quốc tế, sau hợp đồng tương lai dầu Oman niêm yết trên Dubai Mercantile Exchange. Việc tự chủ sản lượng có ý nghĩa rất nhiều đối với tham vọng trở thành một trong những mức giá tham chiếu tiêu chuẩn của UAE.

Trong khi đó, đối với Saudi Arabia, khả năng Iran quay trở lại thị trường vẫn còn, trong khi nếu thỏa thuận cắt giảm chấm dứt vào tháng 4/2022 khiến cho tồn kho dư thừa và giá dầu giảm, kinh tế nước này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó nước này luôn thận trọng trong các chính sách gia tăng sản lượng.

Đây không phải lần đầu tiên UAE đối đầu với Saudi Arabia trong cuộc họp chính sách về thỏa thuận sản lượng. Trong cuộc họp tháng 12/2020, UAE cũng phản đối kế hoạch của OPEC cắt giảm sản lượng cho đến sau 2021. Trước cuộc họp đấy, thị trường kỳ vọng OPEC+ sẽ kéo dài mức cắt giảm sản ượng 7.7 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 3/2021. Tuy nhiên, kết quả cuộc họp cuối cùng, OPEC+ tăng sản lượng thêm 500,000 thùng/ngày từ tháng 1/2021. Cuộc họp lần này, có thể Saudi Arabia sẽ phải nhượng bộ. Tuy nhiên, nếu xét đề nghị tăng sản lượng của UAE vẫn khá khiêm tốn, cho nên khả năng cao OPEC+ sẽ không đưa ra mức thay đổi quá lớn so với cuộc họp tối qua.

Về mặt kỹ thuật, hôm nay dầu thô đang giao động trong khoảng hẹp tuy nhiên vẫn trên mức 75 USD/thùng. Nếu hôm nay cuộc họp OPEC+ không có quá nhiều chuyển biến bất ngờ, giá có khả năng sẽ thiết lập khoảng giao dịch trên 75 USD/thùng trong tháng nay.

 

 

Nguồn: mxvnews.com