Kết thúc tuần giao dịch 26/04 – 02/05, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT tiếp tục duy trì xu hướng tăng, tuy nhiên các mức tăng đã có phần chững lại. Trong đó, ngô và dầu đậu tương vẫn là 2 mặt hàng có mức tăng lớn nhất với hơn 6%.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7 chốt tuần tăng nhẹ 1.2% lên mức 1534.25 cent/giạ, với diễn biến rung lắc khá mạnh trong biên độ 1500 – 1550. Nhu cầu cao đối với dầu đậu tương cùng với thời tiết bất lợi ở khu vực Midwest là các yếu tố chính tác động lên giá đậu tương trong tuần vừa rồi.

Giá tiếp tục có gapup trong sáng nay, tuy nhiên lực bán kỹ thuật mạnh ở vùng giá quan trọng 1550 đã đẩy giá giảm ngược trở lại. Thị trường sau giai đoạn hưng phấn vào cuối tháng trước rất có thể sẽ chú ý lại diễn biến về dịch tả heo châu Phi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Trung Quốc, và có thể là yếu tố “bearish” đến giá trong tuần này.

Về mặt kỹ thuật, giá tăng nhưng khối lượng giao dịch đang giảm mạnh vào cuối tuần trước, có thể sẽ khiến lực mua yếu dần trong hôm nay, đặc biệt là trong bối cảnh đồng Dollar có thể tiếp tục phục hồi. MXV News dự đoán, giá vẫn sẽ duy trì khoảng dao động 1500 – 1550 trong đầu tuần này.

Giá khô đậu tương kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tuần tăng không đáng kể 0.07% lên 426.1 USD/tấn, do sức ép từ mức tăng rất mạnh 6.14% của giá dầu đậu tương tháng 7. Diễn biến của khô đậu tương sẽ chủ yếu đi theo giá đậu tương trong tuần này, với xác suất cao sẽ duy trì trong khoảng dao động 420 – 427. Việc vượt lên khỏi vùng mây kumo hiện tại là tương đối khó.

Trong khi đó, nhu cầu dầu thực vật phục hồi vẫn đang hỗ trợ mạnh cho giá dầu đậu tương. Mặc dù vậy, Ấn Độ sẽ chuyển từ dầu đậu tương sang dầu cọ do giá rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, có thể khiến giá dầu đậu chưa vượt qua được mức 65 cents trong hôm nay. MXV News dự đoán, giá sẽ giằng co ở vùng giá 63 - 65 trong 1, 2 phiên tới.

Giá ngô kỳ hạn tháng 7 chốt tuần tiếp tục tăng rất mạnh 6.44% và đã là tuần tăng thứ 5 liên tiếp của mặt hàng này. Việc thời tiết khô hạn ở các khu vực gieo trồng chính đang thực sự gây ra nhiều lo ngại về nguồn cung trong năm nay. Safras & Mercado đã giảm dự báo sản lượng ngô của Brazil niên vụ 20/21 đi 8% do năng suất ngô vụ 2 có thể sẽ rất thấp. Trong sáng nay, giá tiếp tục có gapup mạnh nhưng đã bị đẩy ngược trở lại từ mức kháng cự tâm lý 700 cents. Về mặt kỹ thuật, tương tự như đậu tương, giá tăng nhưng khối lượng giao dịch giảm, cùng với đường MACD ở cao trên mức 0 và RSI có dấu hiệu phân kỳ âm cho thấy đà tăng đang bắt đầu chững lại. MXV News dự đoán giá sẽ giằng co với khoảng 680 – 700 trong đầu tuần này để chờ các thông tin mới  

Giá lúa mỳ kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tuần trước tăng 3.16% lên mức 734.75 cent/giạ, nhờ ảnh hưởng từ đà tăng của giá ngô. Lúa mỳ cũng có gapup trong phiên sáng nay nhưng đang bị cản lại ở vùng giá 750. Các yếu tố kỹ thuật của lúa mỳ hiện khá tương đồng với ngô, vì thế giá mặt hàng này sẽ bám sát diễn biến của giá ngô trong 1, 2 phiên đầu tuần. Khoảng dao động dự kiến sẽ là 730 – 750.

Nguồn: mxvnews.com