Giá nhôm lập đỉnh 13 năm và giá nickel tăng lên cao nhất kể từ năm 2014 trên sàn London. Cả hai kim loại này đều đang hưởng lợi từ chiến dịch kiểm soát ô nhiễm của Trung Quốc trong những ngành sử dụng nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, vai trò của những kim loại này trong cuộc cách mạng xanh cũng vẽ ra bức tranh màu hồng trong tương lai.

Đà tăng của giá hàng hóa, cùng với sự nhảy vọt của giá cước vận tải biển và chi phí năng lượng đang thúc đẩy giá tiêu dùng tăng trên toàn cầu. Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 13 năm, trong khi chỉ số tiêu dùng Mỹ (CPI) được dự báo tăng hơn 5% trong 3 tháng liên tiếp. Điều này có thể thôi thúc các nhà quyết sách đẩy mạnh nỗ lực ghìm cương giá hàng hóa. Trước đó, họ đã ra động thái kiểm soát hoạt động đầu cơ tích trữ ở các hợp đồng tương lai hàng hóa và giải phóng dự trữ quốc gia, nhưng tác động vẫn rất hạn chế.

“Các đợt can thiệp của Trung Quốc đã gây ra các tác động khác nhau trên thị trường kim loại. Trong đó, giá đồng chắc chắn đã giảm kể từ khi Trung Quốc giải phóng dự trữ quốc gia”, Xiao Fu, Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại BOCI Global Commodities, cho biết qua điện thoại. “Các vị thế đầu cơ đã giảm ở kim loại đồng và nhu cầu bỗng tăng ở các thị trường khác, với nhôm đang là lựa chọn hàng đầu tại thời điểm này”.

Đà tăng của các kim loại cũng hòa cung vào cơn bùng nổ của giá hàng hóa và năng lượng trong năm nay. Giá khí thiên nhiên đang trong chuỗi tăng lịch sử và hợp đồng tương lai than nhiệt tại Trung Quốc vượt 1,000 Nhân dân tệ/tấn (155 USD) lần đầu tiên trong ngày 09/09.

Ngoài ra, thị trường cũng đã có dấu hiệu cho thấy cơn sốt hàng hóa đang tái định hình mẫu hình tiêu thụ. Nhà sản xuất máy điều hòa hàng đầu, Daikin Industries, dự định thay thế 50% lượng kim loại đồng dùng trong mỗi chiếc máy điều hòa bằng nhôm trước năm 2025. Một nhà nghiên cứu thuộc Chính phủ Trung Quốc cũng đang phối hợp với các tập đoàn hàng gia dụng về việc sử dụng nhôm nhiều hơn.

“Hoạt động sản xuất kim loại chiếm hơn 20% lượng khí thải carbon của Trung Quốc trong năm 2020, theo BloombergNEF. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới quyết tâm đạt mục tiêu khí thải ròng bằng 0 vào năm 2060, các hoạt động sản xuất kim loại công nghiệp cũng phải phù hợp với kế hoạch này”, các chuyên gia kinh tế tại Bloomberg cho hay.

Dù vậy, khi giá nhôm tăng vọt 43% trong năm nay, sức cạnh tranh về giá của kim loại nhẹ này so với đồng cũng đang giảm nhanh chóng.

Giá nhôm tăng 1.9% lên 2,848 USD/tấn trên sàn giao dịch kim loại London, mức cao nhất kể từ năm 2008. Bên cạnh những hạn chế về sản xuất tại Trung Quốc, kim loại này còn nhận được cú huých từ tình trạng bạo loạn ở Guinea.

Cuộc đảo chính tại Guinea – vốn cung cấp gần 25% bô-xít trên thế giới – làm dấy lên nỗi lo về tình trạng gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu then chốt trong hoạt động sản xuất nhôm. Điều này diễn ra ngay cả khi các lãnh đạo mới của Guinea thúc giục các công ty khai khoáng tiếp tục hoạt động và trấn an họ rằng các thỏa thuận hiện tại với Chính phủ vẫn sẽ được thực hiện.

Nickel – một nguyên vật liệu chính trong pin xe điện – được kỳ vọng là một trong những nguyên liệu thô tăng mạnh nhất trong giai đoạn chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Tesla trong tháng 7/2021 đã tiến tới thỏa thuận cung ứng nickel với BHP Group, khi hãng xe điện này muốn phòng hộ trước cuộc khủng hoảng nguồn cung trong tương lai.

Trong khi đó, hoạt động sản xuất thép không gỉ tại Trung Quốc cũng thúc đẩy nhu cầu nickel. Hợp đồng tương lai thép không gỉ tăng tới 2.7%, trong khi thép thanh tăng hơn 4%.

Link gốc tại đây.

Theo Vietstock