Sàn CBOT chứng khiến khối lượng giao dịch tăng rất mạnh trong ngày hôm qua, khi đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành có volume tăng 50 – 70% so với ngày thứ ba, trong khi ngô và lúa mỳ có khối lượng giao dịch tăng gấp 3 – 4 lần. Virus Corona vẫn đang diễn biến rất phức tạp khi toàn bộ các châu lục (trừ Nam Cực) đều đã có người nhiễm virus. Hôm qua, Bộ y tế Brazil sau khá nhiều trĩ hoãn, cuối cùng cũng xác nhận 1 trường hợp nhiễm virus Covid-19 tại nước này. Trong khi đó, tại Mỹ, các quan chức y tế cảnh báo dịch Corona lan rộng tại nước này chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cập nhật một số thông tin về Corona rạng sáng 27/02/2020: Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận 1,300 ca nhiễm và 12 ca tử vong, vẫn là điểm nóng nhất ngoài Trung Quốc. Thái Lan có 139 ca nhiễm và 15 ca tử vong. Tại Iran, tỉ lệ tử vong vì virus Corona thuộc hàng cao nhất thế giới, ở mức 6%. Tại châu Âu, Italia đang là điểm nóng nhất với số ca nhiễm tăng vọt lên trên 400 ca, và có 12 người đã tử vong vì virus. Một số quốc gia khác trong khu vực như Áo, Croatia, Pháp, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ đều thông báo các ca nhiễm bệnh đầu tiên hoặc các ca nhiễm mới đều là người có liên quan đến Italia. Các ca nhiễm đầu tiên ở Bắc Phi (Algeria) và ở Mỹ Latinh (Brazil) cũng bắt nguồn từ Italia.

Tại châu Úc, ít nhất 22 trường hợp đã được xác nhận nhiễm Corona. Tại Bắc Mỹ, có ít nhất 59 người Mỹ xét nghiệm dương tính với virus. Canada cũng đã có trường hợp lây nhiễm đầu tiên.

Trong tối qua, thông tin đáng chú ý nhất trên thị trường là việc Bộ nông nghiệp Argentina tạm thời dừng chương trình đăng ký xuất khẩu trên cả nước, là động thái cho thấy chính phủ Argentina sắp tăng thuế xuất khẩu như các đồn đoán trước đó. Các hãng tin lớn đều cho rằng chính sách thuế mới của nước này sẽ được Tổng thống Alberto Fernandez công bố trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc hội sau khi nhậm chức, vào chủ nhật tuần này. Thuế xuất khẩu đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành dự kiến sẽ tăng từ 30% lên mức 33%. Tuy nhiên, thuế xuất khẩu ngô và lúa mỳ vẫn đang là dấu hỏi, khi có nhiều thông tin mới cho rằng chính phủ sẽ không tăng thuế lên 15% như các đồn đoán trước đó, mà sẽ giữ ở mức 12% như hiện tại.

Đậu tương đóng cửa tăng điểm nhẹ trong ngày hôm qua, dù có thời điểm tăng mạnh sau thông tin Argentina sắp tăng thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, khi thị trường đánh giá vấn đề kỹ lưỡng hơn, khả năng xuất khẩu đậu tương hạt của Argentina trong năm 2020 sẽ không còn thuận lợi như năm 2019, bởi Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại với Mỹ và Mỹ sẽ trở thành nguồn hàng ưu tiên số 2 sau Brazil chứ không phải Argentina như trong giai đoạn chiến tranh thương mại. Vì thế, hành động tăng thuế của chính phủ Argentina sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu khô đậu và dầu đậu nành nhiều hơn. Giá giảm lại vào cuối phiên hôm qua, khi Informa cho biết họ vẫn đang kỳ vọng sản lượng đậu tương rất tốt ở cả Argentina và Brazil, trong khi thị trường vẫn đang có nhiều lo ngại về virus Corona, đặc biệt là trường hợp nhiễm bệnh tại Brazil có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của nước này nếu dịch bệnh lan rộng.

Khô đậu là mặt hàng tăng mạnh nhất trong ngày hôm qua, trái chiều với giá dầu đậu nành. Trong bối cảnh đậu tương tăng điểm, dầu đậu nành giảm điểm, khô đậu thường sẽ tăng mạnh hơn. Nhìn chung, việc Argentina dự kiến tăng thuế xuất khẩu từ 30% lên 33% là thông tin “bullish” và là nguyên nhân chính khiến khô đậu tăng điểm. Ngoài ra, tâm lý pricing hàng thật của các buyers châu Á tại vùng giá CBOT thấp như hiện tại cũng đã tạo ra khá nhiều lực mua và khiến khối lượng giao dịch của khô đậu tăng vọt.

Đối với dầu đậu nành, giá giảm theo xu hướng của giá dầu thực vật nói chung, và cụ thể là dầu cọ nói riêng. Theo hãng tin Reuters, Indonesia đang lên kế hoạch tăng thuế xuất khẩu dầu cọ nhằm hỗ trợ các chương trình nhiên liệu sinh học trong nước. Tuy nhiên thị

trường đang kỳ vọng vào việc Thủ tướng Malaysia từ chức sẽ cởi bỏ nút thắt trong căng thẳng Malaysia - Ấn Độ và giúp hoạt động xuất nhập khẩu dầu cọ giữa 2 nước sớm trở lại bình thường.

Ngô đóng cửa giảm nhẹ với khoảng giao dịch hẹp trong ngày hôm qua, dù khối lượng giao dịch tăng gấp 4 lần so với phiên trước đó. Tâm lý lo ngại về virus Corona vẫn đang có tác động “bearish” đối với ngô, nhưng mức giảm không mạnh như lý thuyết (Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran đều là các nước nhập khẩu ngô lớn). Thị trường còn có các thông tin “bearish” như việc Argentina có thể không tăng thuế xuất khẩu ngô, cùng với sản lượng ngô Nam Phi được CEC dự báo sẽ tăng 29% so với năm ngoái. Tại Mỹ, báo cáo của EIA cho thấy sản lượng ethanol tăng lên và tồn kho giảm xuống trong tuần trước, là thông tin “bullish”. Ngoài ra, thị trường còn được hỗ trợ bởi hàng loạt các hợp đồng mua hàng từ các buyers Hàn Quốc, với số lượng 1.4 triệu tấn ngô đã mua từ đầu tháng tới nay. Việc các buyers Hàn Quốc đang tỏ ra hài lòng với vùng giá flat hiện tại, sẽ khiến các buyers khác trong khu vực như Việt Nam, Đài Loan và Nhật Bản mua theo. Với vùng giá flat thấp cho các tháng 6 – 7, Giaodich24 cho rằng các buyers Việt Nam cũng nên tiến hành mua vào ở thời điểm này.

Lúa mỳ đóng cửa tăng nhẹ trong ngày hôm qua, khi khối lượng giao dịch cao hơn 2 – 3 lần so với ngày trước đó. Giao dịch diễn ra tương đối giằng co và các thông tin cơ bản của lúa mỳ không có gì đặc biệt. Theo báo cáo của Ngân hàng Commerzbank hôm qua, các nhà phân tích đang dự đoán giá lúa mỳ toàn cầu sẽ tăng 3 – 7% vào cuối năm 2020 do nguồn cung bị sụt giảm ở nhiều vùng sản xuất lớn. Giaodich24 cũng vẫn duy trì quan điểm “bullish” đối với xu hướng của lúa mỳ trong ngắn – trung hạn.

Giaodich24