Sau phiên giảm mạnh đầu tuần, giá các loại ngũ cốc trên sàn CBOT đã có phiên hồi phục trở lại, nhưng mức tăng chỉ bằng 20 – 30% so với mức giảm trước đó. Nhìn chung, tâm lý thị trường vẫn đang rất lo ngại về virus Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Ý, trong khi Trung Quốc vẫn chưa thể quay trở lại hoạt động bình thường. Trong ngày hôm qua, mặc dù số trường hợp nhiễm bệnh không còn tăng shock như cuối tuần trước, nhưng vẫn có các ca nhiễm mới và có thêm trường hợp tử vong tại Hàn Quốc. Theo các chuyên gia, giai đoạn đỉnh của dịch sẽ vào 10 – 14 ngày tới, nên diễn biến dịch sẽ vẫn rất phức tạp tại các quốc gia này.

Thị trường không có thông tin cung – cầu đặc biệt trong ngày hôm qua. Bộ nông nghiệp Mỹ cho biết Trung Quốc đang có những hành động để thực hiện cam kết mua hàng trước đó, nhưng vẫn rất cần các hợp đồng mua đậu tương để củng cố thêm niềm tin vào thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký kết. Theo giá thị trường, giá đậu tương của Brazil vẫn đang rẻ hơn so với đậu tương Mỹ, nên trừ khi chính phủ yêu cầu các tập đoàn nhà nước mua đậu tương Mỹ, nếu không, các buyers Trung Quốc sẽ vẫn tập trung mua hàng của Brazil trong thời gian tới.

Đậu tương đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua, khô đậu tăng nhẹ, còn dầu đậu nành giảm điểm nhẹ. Giá dầu đậu nành và dầu đậu nành vẫn tiếp tục trái chiều nhau trong ngắn hạn và kịch bản này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Phiên tăng điểm hôm qua của đậu tương chủ yếu dựa vào tâm lý chốt lời ngắn hạn và mua bắt đáy của giới đầu cơ. Giá khô đậu có thể đã nhận được một số lượng mua hàng thật từ các buyers Hàn Quốc và Việt Nam, bởi vùng giá flat hiện tại được cho là an toàn để pricing trong ngắn – trung hạn. Chưa có báo cáo cụ thể nào về tình hình mua hàng của các buyers Việt Nam, nhưng các tập đoàn của Hàn Quốc đã có những hợp đồng mua khô đậu trong ngày hôm qua. Trong khi đó, dầu đậu nành giảm theo xu hướng của giá dầu cọ, khi mặt hàng này đã giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng. Tổng thống Malaysia từ chức có thể sẽ khiến căng thẳng Ấn Độ - Malaysia dịu xuống và không loại trừ khả năng Ấn Độ sẽ cho phép nhập khẩu lại các loại dầu cọ của Malaysia trong thời gian tới.

Ngô đóng cửa tăng nhẹ không đáng kể trong ngày hôm qua với diễn biến giao dịch rất lình xình. Theo tin thị trường, các buyers Hàn Quốc đã liên tục mua vào số lượng ngô rất lớn trong các buổi đấu giá hôm qua. Điều này cho thấy giá flat tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã ở vùng hấp dẫn đế có thể mua hàng giao tháng 5 – 6 – 7. Tại thị trường Việt Nam, Giaodich24 vẫn duy trì quan điểm rằng vùng giá flat 200 – 202 (miền bắc) sẽ là vùng giá an toàn để pricing cho các tháng này. Thị trường sẽ không có nhiều thông tin cơ bản đặc biệt trong thời gian tới, nên giá sẽ vẫn có diễn biến chậm với các khoảng giao dịch hẹp.

Lúa mỳ đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua, nhưng diễn biến giao dịch khá giằng co. Có những thời điểm lúa mỳ là mặt hàng duy nhất giảm điểm trên sàn CBOT, dựa vào số liệu của USDA cho thấy chất lượng lúa mỳ vụ đông tăng ở hầu hết các vùng sản xuất lớn tại Mỹ trong vòng 1 tháng qua (ngoại trừ Montana). Nhưng khi giảm đến vùng hỗ trợ 530, lực mua bắt đáy và chốt lời của giới đầu cơ đã xuất hiện khiến lúa mỳ đảo chiều tăng trở lại. Nhìn chung, lúa mỳ đang ở trạng thái “bullish” về cung – cầu, dựa vào sản lượng giảm ở Úc, lo ngại tại Nga và châu Âu, cũng như chất lượng vụ đông tại Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Vì thế, sẽ không có gì bất ngờ nếu lúa mỳ đảo chiều tăng trở lại lên trên 550 trong 1 – 2 phiên tới.

Giaodich24