Giá các loại ngũ cốc trên sàn CBOT đóng cửa trái chiều trong ngày hôm qua với những diễn biến rất đáng chú ý. Ban đầu, toàn bộ thị trường cùng giảm điểm vào cuối phiên sáng và đầu phiên tối sau khi phố Wall mở cửa với các mức giảm lớn và đóng cửa với phiên giảm điểm sâu nhất trong lịch sử. Lo ngại về virus Corona vẫn tiếp tục có tác động tiêu cực lên giá các loại hàng hóa nói chung và ngũ cốc nói riêng.

Theo các thông tin tổng hợp mới nhất, Phó Tổng thống Iran cũng đã nhiễm virus Covid-19, có thể tạo ra sự hỗn loạn đối với quốc gia này. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng trong ngày hôm qua, và số người nghi nhiễm tại Việt Nam bất ngờ tăng vọt lên thành 92 người. Dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn ở châu Âu, Mỹ và mới đây là khu vực Mỹ Latinh sẽ khiến Corona tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường trong thời gian tới.

Đậu tương đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua, dù có thời điểm giảm hơn 10 cents trong giai đoạn đầu phiên tối. Khoảng giao dịch mở rộng ra hơn 20 cents và giá vượt xa mức kháng cự 880 khi đóng cửa sẽ tạo ra các tín hiệu đảo chiều về mặt phân tích kỹ thuật. Ban đầu, báo cáo Export Sales với số liệu bán hàng giảm 31% so với tuần trước, là thông thông tin khiến giá giảm điểm. Tuy nhiên, càng về sau, lực mua nhiều hơn của khô đậu đã dẫn dắt khiến thị trường đảo chiều thành công. Báo cáo Export Sales tuy không tốt, nhưng điểm sáng là việc Trung Quốc cũng đã mua thêm hàng, dù khối lượng không nhiều nhưng cũng tạo ra những kỳ vọng tích cực hơn trong thời gian tới. Mặc dù Buenos Aires Exchange tăng dự báo sản lượng đậu tương Argentina lên 54.5 triệu tấn trong tối qua, nhưng thời tiết tại nước này đang gây ra nhiều lo ngại trong ngắn hạn, khi các vùng sản xuất lớn sẽ không có mưa trong vòng 3 – 5 ngày tới. Tại Brazil, mưa lớn khiến tốc độ thu hoạch chậm lại, cũng bắt đầu tạo ra những lo lắng về năng suất thu hoạch.

Khô đậu đóng cửa tăng mạnh trong ngày hôm qua, vẫn tiếp tục trái chiều với mức giảm mạnh của dầu đậu nành. Các thông tin từ Argentina đã có tác động đáng kể, kết hợp với tâm lý mua hàng thật của các buyers châu Á, trong đó có rất nhiều buyers Việt Nam ở vùng giá 300 đối với tháng 5 – 7, là nguyên nhân khiến khô đậu đảo chiều thành công và vượt xa vùng giá 300 khi đóng cửa. Sự chú ý đang tập trung vào việc Argentina có tăng thuế từ 30% lên 33% như các tin đồn hay không. Dù thông tin này sẽ chỉ được confirm sau ngày chủ nhật, nhưng các công đoàn tại Argentina đã chuẩn bị đình công và nếu diễn ra trên diện rộng có thể sẽ ảnh hưởng tới hoạt động ép dầu và xuất khẩu của nước này.

Dầu đậu nành đóng cửa giảm điểm và vẫn ở mức thấp nhất từ tháng 9 năm ngoái. Xu hướng này trái ngược với mức tăng của giá dầu cọ trong ngày hôm qua.

Ngô đóng cửa giảm mạnh trong ngày hôm qua, giảm trước cả thời điểm USDA phát hành báo cáo Export Sales. Số liệu bán hàng giảm 31% so với tuần trước rõ ràng là thông tin “bearish” và khiến giá giảm thêm, nhưng tác động tới thị trường chỉ ở mức trung bình khi giao hàng ở mức cao nhất từ đầu niên vụ. Thông tin số ca nghi nhiễm tại Việt Nam tăng vọt, Nhật Bản cho học sinh nghỉ học và số ca nhiễm tại các nước nhập khẩu ngô lớn khác đều tăng lên, là nguyên nhân khiến thị trường lo ngại nhu cầu ngô sẽ giảm trong thời gian tới và giảm mạnh. Giaodich24 cho rằng xu hướng giảm của ngô đang chậm hơn so với các thông tin thị trường trước đó, nên phiên giảm mạnh hôm qua cũng không có gì bất ngờ. Ở vùng giá flat hợp lý như hiện nay (tháng 5 – 6 – 7), các buyers Việt Nam nên tiến hành mua vào, bởi thị trường đang đứng trước nhiều khả năng có thể đảo chiều tăng lại trong thời gian tới. Thời tiết hạn hán ở Argentina sẽ tạo ra nhiều lo ngại; kết hợp với tiến độ gieo trồng ngô vụ 2 chậm tại Brazil có thể sẽ là động lực để bên mua mua vào nhiều hơn.

Lúa mỳ giảm điểm theo giá ngô trong ngày hôm qua, xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái. Báo cáo Export Sales có số liệu bán hàng tuy tăng 10% so với tuần trước nhưng vẫn là số liệu bán hàng gây thất vọng. Giao hàng giảm 32% so với tuần trước, càng tạo ra nhiều lực bán hơn đối với lúa mỳ trong phiên tối. Thông tin từ Nga cho biết chính phủ yêu cầu Bộ nông nghiệp bổ sung các tài liệu liên quan đến việc áp quotas xuất khẩu ngũ cốc 20 triệu tấn trong nửa đầu năm 2020. Các thương nhân Nga đang phản đối quyết liệt hạn ngạch này, và nhiều nguồn tin cho biết chưa chắc chính phủ Nga đã thông qua việc cấp hạn ngạch. Đây là thông tin “bearish” đối với thị trường, bên cạnh việc IGC dự đoán sản lượng lúa mỳ thế giới 2020/21 sẽ tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay.

Giaodich24