Giá các loại ngũ cốc trên sàn CBOT mở cửa phiên đầu tuần với các mức gapdown rất lớn và tiếp tục giảm mạnh trong cả phiên sáng. Giá dầu thô có lúc giảm tới 30%, xuống đáy 4 năm và là mức giảm mạnh nhất kể từ chiến tranh vùng Vịnh 1991, là nguyên nhân khiến thị trường tài chính và hàng hóa nói chung đều giảm mạnh khi mở cửa. Ngoài ra, các thông tin xấu về virus Covid-19 tại Việt Nam, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ, cũng là thông tin tạo ra lực bán rất mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, sàn CBOT càng xuất hiện lực mua nhiều hơn. Đậu tương và dầu đậu nành đóng cửa với các mức giảm mạnh; khô đậu và ngô giảm ít hơn; thậm chí lúa mỳ đảo chiều thành công và đóng cửa trong sắc xanh.

Tối nay, USDA sẽ phát hành báo cáo Cung – cầu tháng 3 vào lúc 23:00. Thị trường sẽ tập trung vào các số liệu tồn kho cuối vụ Mỹ 2019/20 và sản lượng các mùa vụ tại Brazil và Argentina. Đây sẽ là báo cáo chi phối thị trường vào cuối ngày hôm nay, thậm chí có thể sẽ có tác động kéo dài hơn nếu USDA đưa ra các số liệu gây bất ngờ.

Đậu tương giảm hơn 20 cents khi đóng cửa ngày hôm qua, khi đã có gapdown và mức giảm khoảng 18 cents ngay sau thời điểm mở cửa. Diễn biến giao dịch của đậu tương sau đó không có gì đặc biệt, khi giá gặp phải lực mua ở vùng hỗ trợ kỹ thuật 865, nên không thể giảm thêm. Nhưng thị trường cũng không có thông tin cơ bản “bullish” để có thể khiến giá đảo chiều tăng trở lại. Các thông tin nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 2 ở mức cao kỷ lục; báo cáo Daily Export Sales bán hàng cho nước giấu tên; hay nông dân Argentina đình công đều chỉ là thông tin “bullish” nhẹ, đóng vai trò ngăn không cho giá giảm mạnh thêm. Báo cáo Export Inspections thậm chí còn là số liệu “bearish” đối với thị trường, khi giao hàng bị giảm so với tuần trước. Nhìn chung, Giaodich24 cho rằng đậu tương có thể sẽ không bị giảm thêm và sẽ được hỗ trợ ở mức 865 trong thời gian tới.

Dầu đậu nành giảm hơn 4% trong ngày hôm qua, trong khi đó khô đậu có lực mua hàng thật khá rõ ràng và giá chỉ đóng cửa giảm nhẹ.  Các nguồn tin cho hay có khá nhiều buyers Việt Nam đã tiến hành mua hàng trong ngày hôm qua, khi giá CBOT của các hợp đồng tháng gần về vùng tâm lý 300. Chính lực mua này là nguyên nhân khiến khô đậu tăng trở lại vào cuối phiên. Trong khi đó, dầu đậu nành là loại dầu thực vật, nên không có gì bất ngờ khi giá giảm mạnh theo xu hướng giảm trên thị trường dầu thô và không có thông tin nào đủ mạnh để khiến giá đảo chiều tăng trở lại vào cuối phiên.

Ngô có lực mua khá tốt trong phiên tối qua, nhưng chưa đủ để giúp giá đảo chiều đóng cửa tăng điểm. Cũng giống như khô đậu, Giaodich24 nhận thấy có khá nhiều hợp đồng mua của các buyers Việt Nam đã được đẩy ra thị trường trong tối qua. Giá flat các tháng từ tháng 7 trở đi vẫn ở mức thấp dẫn, đặc biệt là giá flat của các tháng 10 – 11 – 12 ở gần 190 khiến các buyers Việt Nam tích cực mua hàng. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân chính khiến ngô chỉ đóng cửa giảm nhẹ. Báo cáo Export Inspections tối qua của USDA là số liệu “bearish” khi giao hàng giảm so với tuần trước.

Lúa mỳ là mặt hàng duy nhất đảo chiều thành công và đóng cửa tăng điểm trong ngày hôm qua. Trước đó, lúa mỳ cũng có gapdown và giảm khoảng 10 cents trong phiên sáng. Tuy nhiên, lực mua bất ngờ xuất hiện rất nhiều trong phiên tối, khi vùng hỗ trợ tâm lý 500 tạo ra rất nhiều lệnh mua kỹ thuật và đẩy giá lên mức kháng cự 520 khi đóng cửa. Báo cáo Export Inspections với số liệu giao hàng thấp hơn tuần trước không phải là thông tin “bullish”. Giaodich24 cho rằng giá lúa mỳ tăng chủ yếu dựa vào việc đồng Dollar Mỹ trượt giá rất mạnh so với các đồng tiền khác, khiến giá lúa mỳ Mỹ có sức cạnh tranh tốt hơn. Riêng với Nga, đồng Rubble mất giá rất mạnh trong ngày hôm qua, khiến giá lúa mỳ Nga đang trở thành loại lúa mỳ rẻ nhất trên thị trường xuất khẩu thế giới. Nhưng các chính sách hạn chế xuất khẩu ngũ cốc của chính phủ Nga có thể sẽ làm giảm tính hấp dẫn của loại lúa mỳ này, và sẽ tạo ra cơ hội xuất khẩu tốt hơn cho lúa mỳ Mỹ trong thời gian tới.

Giaodich24