Đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành đều đóng cửa giảm điểm trong tuần trước. Dầu đậu nành là mặt hàng giảm mạnh nhất nếu xét theo tỉ lệ %, khô đậu giảm ít nhất và đậu tương giảm với mức trung bình. Nhìn chung, thị trường đang bị tác động “bearish” bởi Virus Corona nCoV đang gây ra nỗi hoang mang trên toàn thế giới. Số trường hợp mắc bệnh và tử vong đang tăng với tốc độ rất nhanh và nhanh dần đều tại Trung Quốc, khiến hoạt động giao thương hàng hóa bị đình trệ. Theo một số nguồn tin, các cảng biển Trung Quốc đang không được phép dỡ hàng xuống, khiến các tàu đậu tương, ngô và lúa mỳ nhập khẩu bị mắc kẹt trong thời gian vừa qua. Chừng nào Virus Corona vẫn lây lan, chính phủ Trung Quốc sẽ vẫn áp dụng chính sách “nội bất xuất ngoại bất nhập” để tránh mang Virus lây lan đi khắp thế giới. Vì thế, hoạt động mua hàng của các buyers Trung Quốc gần như sẽ phải dừng lại trong thời gian tới.

Kể từ sau khi ký thỏa thuận giai đoạn 1 với Mỹ, Trung Quốc cũng không hề mua thêm nhiều đậu tương như cam kết trước đó. Trong tuần trước, Bộ trưởng nông nghiệp Mỹ đã phải lên tiếng hy vọng Trung Quốc thực hiện đúng cam kết này. Trong bối cảnh dịch Corona và cả dịch cúm gia cầm H5N1 vừa bị phát hiện đang hoành hành, khả năng Trung Quốc đặt mua đậu tương Mỹ là rất thấp. Đây sẽ là thông tin “bearish” chính và khiến giá khó có thể tăng trở lại mạnh mẽ trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, Giaodich24 đang đồng quan điểm với các hãng tin lớn, rằng thị trường CBOT đang giảm hơi thái quá nếu chỉ dựa vào Virus Corona. Nguyên nhân giá giảm có thể còn đến từ lực bán từ phía nông dân Brazil, khi đồng Real của nước này trượt giá xuống mức thấp nhất trong lịch sử so với Dollar Mỹ trong tuần trước. Nếu đồng Real tiếp tục trượt giá, nông dân Brazil sẽ còn bán thêm hàng trong thời gian tới.

*** Các yếu tố Bullish (khiến giá tăng):

+ Tồn kho cuối vụ Mỹ 19/20 giảm mạnh so với năm ngoái và không phải mức cao đột biến trong lịch sử.

+ Mùa vụ đậu tương Brazil và Argentina có một số vùng bị thiếu mưa, nhưng sản lượng chưa bị giảm dự đoán nhiều trong các báo cáo gần đây.

+ Argentina nâng thuế xuất khẩu đậu tương, khô đậu và dầu đậu nành khiến giá basis đang neo ở mức cao.

+ Indonesia áp thuế xuất khẩu dầu cọ, sẽ tạo ra sự khan hiếm nguồn cung xuất khẩu trong thời gian tới.

*** Các yếu tố Bearish (khiến giá giảm):

+ Mùa vụ đậu tương tại Brazil và Argentina nhìn chung vẫn ở mức tốt. Thời tiết có mưa thuận lợi hơn trong tuần này.

+ Căng thẳng Ấn Độ và Malaysia khiến giá dầu cọ giảm rất mạnh, tác động “bearish” đối với toàn bộ thị trường hạt lấy dầu.

+ Đồng Real Brazil trượt giá xuống mức thấp nhất trong lịch sử so với Dollar Mỹ, sẽ kích hoạt nhiều lệnh bán của nông dân nước này.

+ Trung Quốc chưa mua nhiều đậu tương Mỹ như kỳ vọng sau thỏa thuận thương mại.

+ Dịch Virus Corona và H5N1 sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng TĂCN của Trung Quốc.

+ Dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại các nước châu Á.

  • Dự đoán đậu tương tháng 3: Giá có thể sẽ tiếp tục bị tác động “bearish” trong 1 – 2 phiên tới. Nhưng Giaodich24 cho rằng giá đang giảm hơi thái quá và khó có thể giảm sâu thêm nữa, tuy nhiên sẽ không có lực mua trong thời điểm đầu tuần này.
  • Dự đoán khô đậu tháng 3: Giaodich24 cho rằng sẽ có điều chỉnh mua lên kỹ thuật quay trở lại mức giá 292.5 trước khi quay lại tiệm cận vùng hỗ trợ 290.

Ngô giảm điểm nhẹ trong tuần trước tiếp tục giảm nhẹ trong phiên sáng nay. Mặc dù là một trong những mặt hàng bị tác động “bearish” nhất từ Trung Quốc, nhưng ngô vẫn bị kẹt trong khoảng giao dịch đi ngang lớn là 375 – 394, và chưa có dấu hiệu giá sẽ phá vỡ khoảng giao dịch quan trọng này. Virus Corona nCoV bùng phát ở Trung Quốc rõ ràng là thông tin “bearish” đối với thị trường hàng hóa toàn cầu, trong đó do Trung Quốc là nước có nhu cầu sử dụng ngô nhiều nhất thế giới, nên đương nhiên ngô sẽ chịu tác động “bearish” từ thông tin này. Ngoài ra, cuối tuần trước, chính phủ Trung Quốc cũng cảnh báo dịch cúm gia cầm H5N1 có thể tái bùng phát tại quốc gia này, sẽ càng tạo áp lực lên giá ngũ cốc trong vài ngày tới.

Mặc dù thị trường có khá nhiều thông tin “bearish” ở thời điểm hiện tại, nhưng cũng có các thông tin “bullish” đối trọng lại, khiến ngô không bị giảm sâu. Đầu tiên là mùa vụ ngô tại Nam Mỹ vẫn đang có nhiều lo ngại. Các vùng trồng ngô vụ 1 ở Brazil và trồng nhiều ngô tại Argentina có thời tiết không thuận lợi như những vùng trồng đậu tương, khiến sản lượng ngô Brazil và Argentina bị giảm dự đoán khá nhiều trong các báo cáo gần đây. Kể từ tháng 2 này, nông dân Brazil sẽ bắt đầu gieo trồng ngô vụ 2 trên diện rộng và thời tiết tại Brazil trong thời gian tới sẽ là thông tin có tác động mạnh đối với thị trường.

Trong tháng 2 này, cũng là giai đoạn nông dân Mỹ đăng ký tham gia chương trình bảo hiểm đất nông nghiệp, nên dần dần thị trường sẽ có được những dự đoán đầu tiên về diện tích gieo trồng ngô Mỹ 2020/21. Hội thảo Ag Outllook của USDA sẽ được tổ chức vào cuối tháng này, là số liệu dự đoán chính thức đầu tiên về mùa vụ mới tại Mỹ.

*** Các yếu tố Bullish (khiến giá tăng):

+ Tồn kho cuối vụ ngô Mỹ 2019/20 sẽ có năm giảm thứ 3 liên tiếp.

Tồn kho cuối vụ ngô thế giới 2019/20 cũng có năm giảm thứ 3 liên tiếp.

+ Thời tiết ngô vụ 1 của Brazil không thuận lợi, khiến các hãng tin giảm dự đoán sản lượng.

+ Thời tiết các vùng trồng ngô tại Argentina cũng đang có nhiều lo lắng.

+ Mùa vụ ngô Nam Phi cũng đang có nhiều lo ngại, sản lượng liên tục bị giảm dự đoán.

+ Thị trường kỳ vọng nhu cầu sử dụng ngô cho ethanol của Mỹ sẽ nhiều hơn.

+ Argentina tăng thuế xuất khẩu, sẽ khiến nguồn cung xuất khẩu giảm đi.

*** Các yếu tố Bearish (khiến giá giảm):

+ Tiến độ xuất khẩu ngô Mỹ đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch của USDA.

+ Dịch cúm Virus Corona đang bị lo ngại sẽ lây lan trên diện rộng, sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu sử dụng ngô, trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Trung Quốc.

+ Dịch cúm gia cầm H5N1 nếu bùng phát sẽ ảnh hưởng tới đàn gà của Trung Quốc, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng ngô cho sản xuất TĂCN.

+ Dịch tả heo châu Phi vẫn chưa bị dập tắt hoàn toàn, ảnh hưởng lớn đến nhu cầu ngô của các nước châu Á.

  • Dự đoán ngô tháng 3: Giá sẽ vẫn đi ngang với khoảng giao dịch lớn hơn là 375 – 394. Giá có thể sẽ chịu tác động “bearish” trong giai đoạn đầu tuần này nhưng khó giảm mạnh.

Lúa mỳ đóng cửa giảm điểm khá nhiều trong tuần trước, và đang tiếp tục có gapdown và giảm thêm trong phiên sáng nay. Giá đã phá vỡ hỗ trợ tâm lý 500 và giảm tới sát cạnh của đường xu hướng – trendline tăng điểm trung hạn, nên nếu giảm thêm sẽ tạo ra các tín hiệu “bearish” về mặt kỹ thuật và có thể khiến giá giảm rất sâu trong thời gian sau đó. Những lo ngại về Virus Corona nCoV đang có tác động “bearish” chung lên thị trường hàng hóa và cũng có tác động gián tiếp đối với lúa mỳ. Tuy nhiên, nhiều chuyên giá cho rằng sàn CBOT đang phản ứng hơi thái quá với thông tin này, và nếu dịch cúm được ngăn chặn, thị trường sẽ hồi phục trở lại cũng nhanh và mạnh như lúc giảm điểm. Trong cuối tuần trước, thông tin dịch cúm H5N1 tại Trung Quốc cũng là thông tin “bearish”, và đóng góp một phần vào gapdown cũng như mức giảm thêm của thị trường lúa mỳ trong phiên sáng nay.

Về các mùa vụ trên thế giới, Úc đã ở giai đoạn thu hoạch cuối cùng, nên thời tiết hầu như không còn có tác động đối với năng suất ở thời điểm này. Trong tuần trước, USDA chi nhánh Úc dự đoán sản lượng lúa mỳ năm nay chỉ đạt 15.0 triệu tấn, thấp hơn báo cáo của USDA và ở trong khoảng 14.5 – 15.5 triệu tấn như các dự đoán của các tổ chức uy tín khác. Như vậy, có thể khẳng định sản lượng lúa mỳ Úc năm nay sẽ ở mức thấp nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ, và ảnh hưởng rất lớn tới nguồn cung xuất khẩu lúa mỳ chất lượng cao trên thế giới. Đây sẽ là thông tin “bullish” trong dài hạn và sẽ khiến giá lúa mỳ thế giới khó có thể quay trở lại vùng đáy như vài năm trở lại đây.

Lúa mỳ vụ đông của Mỹ cũng đang bị lo ngại rất nhiều về sản lượng, khi chất lượng liên tục bị giảm mạnh trong các báo cáo của các Sở nông nghiệp tại Mỹ. Thị trường dự đoán USDA sẽ điều chỉnh giảm năng suất và sản lượng trong các báo cáo tới. Ngược lại, thu hoạch lúa mỳ Argentina đã kết thúc và không bị thiệt hại nhiều, cộng thêm sản lượng tốt ở Ấn Độ đang là các thông tin “bearish” đối trọng lại và sẽ khiến lúa mỳ không thể tăng vượt 600 trong thời gian tới.

*** Các yếu tố Bullish (khiến giá tăng):

+ Tồn kho cuối vụ lúa mỳ Mỹ thấp hơn so với năm ngoái.

+ Diện tích gieo trồng lúa mỳ vụ đông 2002 tại Mỹ ở mức thấp thứ 2 trong lịch sử.

+ Sản lượng lúa mỳ Úc rất thấp. Chất lượng lúa mỳ vụ đông giảm ở Úc. Thời tiết lo ngại tại Ukraina và Nga.

+ Nga có những biện pháp kiểm soát và hạn chế xuất khẩu lúa mỳ trong năm 2020.

+ Đình công gây ảnh hưởng tới quá trình xuất khẩu lúa mỳ của Pháp.

*** Các yếu tố Bearish (khiến giá giảm):

+ Tồn kho cuối vụ lúa mỳ Mỹ vẫn đang ở mức cao trong lịch sử.

+ Tồn kho cuối vụ lúa mỳ thế giới đang được dự báo ở mức cao nhất trong lịch sử.

+ Mùa vụ Argentina đã thu hoạch xong và không bị thiệt hại nhiều như các lo ngại trước đó. Sản lượng lúa mỳ Ấn Độ dự báo sẽ đạt kỷ lục.

+ Dịch cúm Virus Corona đang có tác động tiêu cực đến thị trường ngũ cóc nói chung.

  • Dự đoán lúa mỳ tháng 3: Giá có thể sẽ không giảm quá sâu trong tuần này, tuy nhiên xu hướng chủ đạo là xuống và Giaodich24 cho rằng giá sẽ tiếp tục giảm giao điều chỉnh tăng nhẹ lên vùng giá 556.5.